Chào em
Thứ nhất: Thủ tục chốt BHXH khi Doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT và còn nợ BHXH của người sử dụng lao động.
Điểm 3.2 Khoản 3 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH được sửa đổi bổ sung bởi khoản 70 điều 1 Quyết định 505/QĐ- BHXH :
3. Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH
3.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không đóng đủ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm của người lao động. Bạn có quyền khiếu nại tới Doanh nghiệp, sau đó khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Thứ hai: Thủ tục rút BHXH
Điều kiện hưởng BHXH 1 lần
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 58/2014 quy định điều kiện hưởng trợ cấp BHXH 1 lần:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ 20 năm;
- Sau một năm nghỉ việc nếu không đóng BHXH và có yêu cầu nhận trợ cấp BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (theo Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22/06/2015)
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn; Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự phục vụ được nhu cầu sinh hoạt, cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn (theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 có hiệu lực áp dụng từ 01/03/2018)
- Ra nước ngoài để định cư.
Hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp BHXH 1 lần
Căn cứ vào Điều 109 Luật BHXH 58/2014 hồ sơ gồm:
- Sổ BHXH
- Đơn đề nghị hưởng Trợ cấp BHXH 1 lần (mẫu 14-HSB)
- CMND, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú để đối chiếu
3. Thời gian giải quyết hồ sơ
Cơ quan BHXH giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo đúng quy định.
4. Cách tính hưởng Trợ cấp BHXH một lần
Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức hưởng BHXH một lần cụ thể như sau:
- Hệ số 1,5 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014
- Hệ số 2 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi
- Trường hợp chưa đóng đủ 1 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương
Cách tình hưởng trợ cấp BHXH 1 lần được tính theo số năm tham gia BHXH.
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)
Trong đó: Mbqtl: Mức lương bình quân tháng
Như vậy, sau một năm nghỉ việc nếu không đóng BHXH và có yêu cầu nhận trợ cấp BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì bạn có thể đề nghị hưởng BHXH 1 lần theo thủ tục nêu trên.
Trân trọng!