Câu hỏi:
Độc giả Nguyễn Văn Nam-Bà Rịa-Vũng Tàu có câu hỏi như sau:
Tôi và cô A sống chung từ năm 2010, do hoàn cảnh chúng tôi chưa đăng ký kết hôn. Đến năm 2011 chúng tôi có 01 con chung, do chưa đăng ký kết hôn nên vợ tôi đã đăng ký khai sinh cho cháu theo họ mẹ và trong khai sinh không có họ tên tôi. Tháng 6/2016 chúng tôi đăng ký kết hôn. Nay tôi muốn làm thủ tục nhận con, qua hướng dẫn của Tư pháp Phường yêu cầu phải có xét nghiệm ADN giữa tôi và cháu thì mới đến làm thủ tục nhận con. Xin Luật sư hướng dẫn cụ thể về thủ tục nhận con, các hồ sơ, giấy tờ phải có khi đến làm thủ tục tại cơ quan Tư pháp. Xin trân trọng cám ơn!
Giải đáp:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Newvision. Đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin được đưa ra quan điểm của mình tư vấn cho bạn như sau:
Thủ tục nhận và khai sinh lại cho con
Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.
Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Xác định cha, mẹ: “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”.
Như vậy, trong trường hợp này của anh, mặc dù anh chị chưa kết hôn nhưng anh chị đã chung sống với nhau như vợ chồng và đã thừa nhận đứa con sinh ra là con chung thì đó là con chung của anh chị.
Mặt khác, theo Điều 11 thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (thông tư 15/2015/TT-BTP) quy định về Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: “Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Theo như anh trình bày: anh qua cơ quan Tư pháp Phường thì họ yêu cầu phải có xét nghiệm ADN giữa anh và cháu thì họ mới cho làm thủ tục nhận con. Như vậy, anh phải đến bệnh viên để xét nghiệm lấy kết quả AND để làm chứng cứ chứng minh quan hệ cha con (khoản 1 Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con).
Điều 13 thông tư 15/2015/TT-BTP quy định về Hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt: “Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con”.
Như vậy, trong trường hợp này nếu vợ chồng anh có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
Trân trọng !