Chào chị, về trường hợp của chị, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:
Thứ nhất, đối với việc chồng chị muốn nhận con riêng của chị làm con nuôi.
Điều 28 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau :
“Điều 28. Các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:
a) Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;
b) Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
c) Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;
d) Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;
đ) Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm.
3. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.
4. Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.”
Như vậy, trường hợp nhận con nuôi của anh chị là nhận con nuôi đích danh và có yếu tố nước ngoài. Theo đó, anh chị cần chuẩn bị các giấy tờ để làm thủ tục nhận con nuôi có yếu tổ nước ngoài theo quy định tại Điều 31 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 như sau:
1. Đơn xin nhận con nuôi;
2. Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
3. Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
4. Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
5. Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;
6. Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
7. Phiếu lý lịch tư pháp;
8. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
9. Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.
Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp trực tiếp tại Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp). Trường hợp có lý do chính đáng mà không thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, người nhận con nuôi ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, thân thích thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi hoặc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm. (Điều 17 Nghị định 19/2011/BTP)
Thứ hai, đối với việc bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con chị.
Khoản 5 Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định việc bổ sung, thay đổi thông tin về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Do giấy khai sinh của con bạn chưa có thông tin người cha nên thủ tục được áp dụng là thủ tục bổ sung hộ tịch. Theo quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014, anh chị cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: UBND xã nơi trước đây đã đăng ký khai sinh hoặc UBND xã nơi đang cư trú;
- Hồ sơ bao gồm:
+ CMND, CCCD, Hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh khác;
+ Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú;
+ Tờ khai theo mẫu;
+ Các giấy tờ có liên quan: Giấy khai sinh có thông tin cần bổ sung, Giấy chứng nhận nuôi con nuôi và các tài liệu khác có liên quan trong trường hợp cụ thể.
Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch hợp lệ, công chức tư pháp hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh và báo cáo Chủ tịch UBND có thẩm quyền.