Thủ tục nhận cha mẹ con được thực hiện như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #604298 26/07/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (243)
    Số điểm: 1932
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 21 lần


    Thủ tục nhận cha mẹ con được thực hiện như thế nào?

    Tình cảm cha con hay mẹ con là tình cảm thiêng liêng và rất đáng được trân trọng. Thế nhưng vì lý do nào đó mà cha, mẹ không có liên lạc được với con nhưng sau đó cha, mẹ tìm được con và muốn nhận lại con thì thực hiện như thế nào?

    1. Thẩm quyền giải quyết đăng ký nhận cha, mẹ, con

    Theo quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con sẽ có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký nhận cha, mẹ, con.

    Ngoài ra, theo Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

    2. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

    Đối với thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con tại Ủy ban nhân dân cấp xã:

    Theo khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trong đó, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, cụ thể:

    - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

    - Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

    Đối với thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con tại Ủy ban nhân dân cấp huyện:

    Theo Điều 44 Luật Hộ tịch 2014, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân. Trong đó, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con đã được trình bày ở phần thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con ở Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.

    Như vậy, pháp luật có quy định cụ thể thủ tục thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con. Tùy từng trường hợp sẽ đăng ký nhận cha, mẹ, con tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện, theo đó thủ tục sẽ được thực hiện tương ứng với từng cấp theo quy định pháp luật.

     
    880 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận