Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và các dự án địa phương như làm đường, mở lối, làm cống nhưng khó khăn trong việc bồi thường thì việc vận động người dân hiến đất thực hiện là giải pháp vừa giúp nhà nước tiết kiệm vừa có lợi cho người dân ở những khu vực giao thông không thuận lợi.
Khi người dân hiến đất cho chính quyền địa phương thực hiện dự án thì cần phải làm những thủ tục gì trước và sau khi hiến đất cho dự án phúc lợi xã hội?
1. Gọi là “hiến đất” là đúng hay chưa?
Thực chất cụm từ “hiến đất” được nói đến như trên chỉ là từ ngữ địa phương và được sử dụng nhiều đối với người dân nhưng theo quy định không được gọi là hiến đất với lý do sau.
Theo pháp luật đất đai hiện hành không quy định việc người dân “hiến” một phần đất để làm đường hoặc công trình công cộng mà quy định việc:
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức.
- Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
- Đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì được tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước.
- Tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
- Tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Do đó, để sử dụng từ ngữ chính xác nhất thay cho từ “hiến đất” thì có thể xem đây là việc người dân tặng cho quyền sử dụng một phần đất hoặc toàn bộ phần đất mà mình thuộc quyền sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền địa phương thực hiện dự án xã hội.
2. Thủ tục đối với người hiến đất đã có Giấy chứng nhận QSDĐ
Người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hoàn tất thủ tục hiến đất thì phải đăng ký biến động đất đai theo quy định tại điểm a khoản 4, khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013 như sau:
Theo đó, để thực hiện việc hiến đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, trường hợp người dân đăng ký biến động khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho việc hiến đấy thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
3. Thủ tục thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất
Căn cứ khoản 3 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP người hiến đất có thể thực hiện theo trình tự, thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng như sau:
Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định.
Sau khi hoàn thành xây dựng công trình công cộng trên đất được tặng cho, Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào văn bản tặng cho quyền sử dụng đất đã được UBND cấp xã xác nhận và hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thông báo cho người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để xác nhận thay đổi.
Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận thì thu hồi Giấy chứng nhận để quản lý.
Như vậy, sau khi tặng cho quyền sử dụng đất để thực hiện dự án người dân cần phải nộp Giấy chứng nhận đã cấp sau đó thực hiện việc chỉnh lý biến động đất đai. Đây là một nghĩa cử cao đẹp cũng như góp phần phát triển đất nước cần được phát huy của người dân.