Thủ tục bồi thường do gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Chủ đề   RSS   
  • #613385 27/06/2024

    Tranxuandung991994
    Top 150
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/09/2018
    Tổng số bài viết (504)
    Số điểm: 9135
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 87 lần


    Thủ tục bồi thường do gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình tiêm chủng mở rộng

    Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vắc xin bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai (Khoản 1 Điều 1 Nghị định 13/2024/NĐ-CP).

    Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

    1. Các thiệt hại, phạm vi và mức bồi thường

    Theo Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì các thiệt hại, phạm vi và mức bồi thường được xác định như sau:

    - Thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

    - Thiệt hại đến tính mạng được hỗ trợ như sau:

    + Các chi phí quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP trước khi tử vong;

    + Chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định;

    + Chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại;

    + Các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

    2.  Hồ sơ, thủ tục xác định trường hợp được bồi thường

    Căn cứ Điều 17 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì có hai trường hợp cần chuẩn bị hồ sơ để có thể được bồi thường bao gồm:

    - Trường hợp Cơ sở y tế để xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng thì Cơ sỏ ý tế có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan nhằm phục vụ cho Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh xác định các trường hợp được bồi thường.

    - Trường hợp người được tiêm chủng hoặc thân nhân của người được tiêm chủng cho rằng mình hoặc thân nhân của mình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP thì phải chuẩn bị và gửi cho Sở Y tế hồ sơ bao gồm các tài liệu, giấy tờ sau:

    + Đơn yêu cầu xác định nguyên nhân gây tai biến và mức độ tổn thương;

    + Phiếu, sổ xác nhận tiêm chủng loại vắc xin có liên quan;

    + Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

    + Giấy chứng tử (trong trường hợp bị tử vong);

    + Các giấy tờ khác có liên quan chứng minh tai biến hoặc thiệt hại khác (nếu có).

    Như vậy, để được bồi thường trong chương trình TCMR khi xảy ra tai biến nặng thì phải có đủ hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào ai là người xác định trường hợp tai biến nặng.

    Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người bị thiệt hại, Sở Y tế phải hoàn thành việc xác định nguyên nhân gây tai biến, mức độ tổn thương và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu đồng thời báo cáo Bộ Y tế.

    3. Về thủ tục bồi thường

    Thủ tục bồi thường khi sử dụng vắc xin trong Chương trình TCMR để xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định 104/2016/NĐ-CP như sau:

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh, Sở Y tế ra quyết định giải quyết bồi thường đối với các trường hợp được Nhà nước bồi thường theo quy định.

    - Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, người có lỗi hoặc cơ quan tổ chức có lỗi gây thiệt hại (nếu có).

    - Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra tòa án.

    Việc cấp và chi trả tiền bồi thường thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

    Như vậy có thể thấy, Nhà nước luôn có giải pháp cụ thể để hỗ trợ kịp thời cho người bị tai biến nếu nguyên nhân xuất phát từ lỗi của cơ sở y tế trong thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng.

    Để đảm bảo quyền lợi của mình thì người bị tai biến hoặc thân nhân của họ cần xác định đúng trường hợp tai biến được bồi thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP và phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

     
    81 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận