Thủ tục bổ sung ngành nghề cho đơn vị sự nghiệp công lập

Chủ đề   RSS   
  • #617648 18/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19064
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 408 lần


    Thủ tục bổ sung ngành nghề cho đơn vị sự nghiệp công lập

    Việc bổ sung ngành nghề hoạt động là một nhu cầu thường gặp của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, mở rộng quy mô hoạt động hoặc tận dụng cơ hội phát triển.

    (1) Điều kiện được bổ sung ngành nghề đối với đơn vị sự nghiệp công lập

    Khi muốn bổ sung ngành nghề, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện thủ tục tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.

    Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

    - Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP;

    - Không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

    - Việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

    Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài, ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện trên, khi tổ chức lại thì cần phải bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc tổ chức lại và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

    Như vậy, việc bổ sung ngành nghề đối với đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ đơn thuần là một quy trình hành chính mà còn đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện được tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.

    Điều này nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp và sự phù hợp đối với quy hoạch ngành của quốc gia.

    (2) Hồ sơ tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, hồ sơ tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

    - Đề án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập;

    - Tờ trình tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập;

    - Dự thảo văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập;

    Theo đó, Điều 16 Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định Đề án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập phải có các nội dung sau:

    - Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

    - Mục tiêu, phạm vi hoạt động và danh mục dịch vụ sự nghiệp công đơn vị dự kiến cung cấp;

    - Loại hình và tên gọi của đơn vị sự nghiệp công lập;

    - Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức;

    - Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động và mức độ tự chủ tài chính;

    - Báo cáo giải trình về việc đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập;

    - Dự kiến về nhân sự (trong đó xác định rõ số lượng cấp phó của đơn vị theo quy định tại Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết của bộ quản lý ngành, lĩnh vực); vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc, trang thiết bị và phương tiện làm việc cần thiết;

    - Phương án tổ chức thực hiện và lộ trình triển khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

    - Kiến nghị của cơ quan, tổ chức xây dựng đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có);

    - Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

    - Thực trạng tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trước khi tổ chức lại;

    - Phương án xử lý về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;

    - Các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có);

    - Quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập và thời hạn xử lý.

    Đối với nội dung tại Tờ trình tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện như đối với Tờ trình thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 9 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

    (3) Trình tự, thủ tục tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 120/2020/NĐ-CP, khi chuẩn bị đủ các thành phần hồ sơ, đơn vị sự nghiệp công lập tiến hành thủ tục tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo các bước sau:

    Bước 1: Lấy ý kiến tham gia

    Đơn vị sự nghiệp đề nghị tổ chức lại gửi Dự thảo Đề án, Tờ trình và Dự thảo văn bản đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan để lấy ý kiến bằng văn bản trước khi gửi đến cơ quan thẩm quyền thẩm định.

    Bước 2: Gửi hồ sơ thẩm định

    Đơn vị sự nghiệp đề nghị tổ chức lại gửi 01 bộ hồ sơ tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (bản chính) đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 120/2020/NĐ-CP để thẩm định.

    Bước 3: Thẩm định hồ sơ

    Cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hồ sơ tổ chức lại của đơn vị sự nghiệp công lập.

    Trong trường hợp có vấn đề chưa rõ hoặc ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm định yêu cầu cơ quan đề nghị tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập phải cung cấp văn bản giải trình bổ sung hoặc theo ủy quyền của người có thẩm quyền, cơ quan thẩm định tổ chức họp với các cơ quan liên quan để làm rõ và báo cáo cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định.

    - Thời hạn thẩm định:

    + 15 ngày làm việc: đối với đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,

    + 10 ngày làm việc: đối với đơn vị sự nghiệp không thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Bước 4: Xử lý hồ sơ

    - Đơn vị đề nghị tổ chức lại hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của cơ quan, tổ chức thẩm định và trình theo quy định thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

    - Trường hợp cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định không đồng ý cho tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thì phải có ý kiến bằng văn bản nêu rõ lý do gửi cơ quan, tổ chức đề nghị tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Thời hạn thực hiện: 25 ngày làm việc, kể từ khi đơn vị  đề nghị tổ chức lại hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của cơ quan, tổ chức thẩm định

    Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về thời hạn thẩm định và quyết định tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

     
    34 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận