Thứ tự phân chia tài sản khi ngân hàng phá sản? Người gửi tiền xếp thứ mấy?

Chủ đề   RSS   
  • #612519 08/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Thứ tự phân chia tài sản khi ngân hàng phá sản? Người gửi tiền xếp thứ mấy?

    Nhiều câu hỏi đặt ra về việc ngân hàng có phá sản không, thực tế đây là một điều hiếm khi xảy ra nhưng vẫn có khả năng. Vậy thứ tự phân chia tài sản khi ngân hàng phá sản thế nào?

    Thứ tự phân chia tài sản khi ngân hàng phá sản? Người gửi tiền xếp thứ mấy?

    Theo Điều 101 Luật Phá sản 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản khi ngân hàng phá sản như sau:

    - Việc phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự như sau:

    + Chi phí phá sản;

    + Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

    + Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

    + Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

    - Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ khoản nợ quy định trên Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

    + Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã;

    + Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

    + Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

    -Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

    Như vậy, khi ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ được ưu tiên thứ ba, sau khi tài sản đã dùng để thanh toán chi phí phá sản và các nghĩa vụ đối với người lao động.

    Khi nào ngân hàng phá sản?

    Theo Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) có nêu về việc phá sản ngân hàng như sau:

    - Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

    - Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

    - Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng.

    Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sẽ được thay thế bởi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định ngân hàng sẽ phá sản khi:

    Phương án phá sản của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được xây dựng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có phương án cơ cấu lại trong thời hạn quy định và không đủ điều kiện chuyển giao bắt buộc theo quy định, không đủ điều kiện giải thể theo quy định;

    - Ngân hàng thương mại thuộc trường hợp:

    + Trường hợp phương án chuyển giao bắt buộc không được phê duyệt và không thuộc trường hợp được chỉ định bên nhận chuyển giao bắt buộc theo quy định, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản.

    + Trường hợp không chỉ định được bên nhận chuyển giao bắt buộc hoặc phương án chuyển giao bắt buộc không được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản.

    + Trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc mà ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt không khắc phục được tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản.

    - Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng bị giải thể, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt thanh lý tài sản và thực hiện phương án phá sản;

    - Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đề xuất phương án phá sản trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt.

    Như vậy, theo cả quy định hiện hành và quy định mới, việc một ngân hàng phá sản chỉ diễn ra khi đã áp dụng phương pháp kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Về các trường hợp cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định trên.

    Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

    Theo Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định ngân hàng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi:

    -  Có nguy cơ mất khả năng chi trả;

    - Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán;

    - Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

    - Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

    - Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

    Theo Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định ngân hàng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi:

    - Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;

    - Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;

    - Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm;

    - Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

    - Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;

    - Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

    Như vậy, quy định mới đã thay đổi, bổ sung các trường hợp mà một ngân hàng sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trong đó, nổi bật là trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng sau những sự kiện xảy ra gần đây. 

    Xem thêm: Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

     
    292 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận