Thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

Chủ đề   RSS   
  • #613223 25/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 120 lần


    Thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

    Luật Căn cước năm 2023 sẽ có hiệu lực vào 01/7/2024. Trong đó, vấn đề thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024 trở thành mối quan tâm của đông đảo người dân.

    Từ ngày 01/7/2024 khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực, việc thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước sẽ được triển khai trên toàn quốc. 

    Việc thu thập mống mắt trong quy trình làm thẻ căn cước là một cải tiến đáng kể, giúp nâng cao hiệu quả quản lý dân cư và dễ dàng trong việc xác nhận thông tin của từng cá nhân.

    (1) Thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

    Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước.

    Theo khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước năm 2023 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:

    + Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước.

    Trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật Căn cước.

    + Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

    + Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.

    + Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước.

    + Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

    Theo điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước năm 2023 đã quy định người tiếp nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. 

    Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục.

    Như vậy, so với luật hiện hành, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực vào ngày 01/07/2024 đã quy định về việc thu thập thêm mống mắt của người có nhu cầu cấp thẻ căn cước.

    Vân tay, mống mắt là những đặc điểm riêng biệt để xác nhận các cá nhân với nhau. Thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao an ninh và hiệu quả quản lý thông tin dân cư. 

    Việc này giúp cho các cơ quan chức năng có thể dễ dàng đối soát, xác nhận thông tin cá nhân cũng như hỗ trợ công dân làm thẻ căn cước dễ hơn khi trong trường hợp không thu được dấu vân tay của người cần cấp thẻ căn cước.

    (2) Từ 01/7/2024, có bắt buộc công dân phải đổi từ CCCD sang thẻ Căn cước không?

    Căn cứ theo Điều 46 Luật Căn cước năm 2023 quy định như sau:

    - Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước. có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

    - Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024

    Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

    - Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

    Như vậy, không bắt buộc công dân phải đổi từ CCCD sang thẻ Căn cước. Tuy nhiên, trừ các trường hợp phải bắt buộc đổi như theo khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước năm 2023, bao gồm:

    + Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Căn cước.

    + Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh.

    + Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.

    + Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước.

    + Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.

    + Xác lập lại số định danh cá nhân.

    Tóm lại, các cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024. 

    Bên cạnh đó, trừ các trường hợp phải đổi sang thẻ căn cước theo Điều 24 thì không bắt buộc công dân phải đổi từ CCCD sang thẻ Căn cước. Công dân có thể tiếp tục sử dụng thẻ CCCD bình thường cho đến khi hết hạn sử dụng.

     
    336 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận