Người có thu nhập trên 10 triệu/tháng theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê được xếp vào nhóm dân số giàu nhất quốc gia…
Nhóm hộ giàu nhất quốc gia là những ai?
Những người hiện nay có thu nhập trên 10 triệu đồng nghĩa là gấp mức lương cơ sở gần 6 lần và mức lương tối thiểu vùng hơn 2 lần.
Theo hệ số lương cán bộ công chức viên chức vẫn được áp dụng theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP thì mức lương cơ sở hiện tại của nước ta là 1.800.000 đồng, 06 tháng lương cơ sở là 10,8 triệu đồng
Mức lương tối thiểu tháng hiện nay theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP cho từng vùng là:
- Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng;
- Vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; Vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng;
- Vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Thực tế, với mức thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng đối với người dân không phải ở các thành phố lớn thì vẫn còn khó để đạt được.
Theo thống kê của Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng/người/tháng (tăng 10,3 điểm % so với năm 2021) cao gấp 1,54 lần thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng (tăng 10,8 điểm % so với năm 2021).
Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng/người/tháng). Vùng có thu nhập bình quân thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,17 triệu đồng/người/tháng).
Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân đạt 10,23 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1).
Do đó, những ai có mức thu nhập trên 10 triệu mỗi tháng là những người được xếp vào diện thuộc hộ giàu nhất nước
Chi tiêu bình quân đầu người mỗi tháng ở thành thị
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. Có thể thấy dưới tác động của dịch Covid-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị.
Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020). Năm 2022, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình.
Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.
Sự bất bình đẳng trong chi phí chi tiêu giữa các nhóm
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.
Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).
Theo cơ quan thống kê, mặc dù chi tiêu bình quân đầu người giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch.
Bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng và giữa nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao; do vậy các chính sách phục hồi sau đại dịch cần trọng tâm vào nhóm người yếu thế hơn trong xã hội.
(Nguồn báo Dân trí)