Chào bạn,
Về vấn đề của bạn, tại Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành có nêu:
"Điều 33. Khai báo tạm trú
1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.
2. Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.
Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
3. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này."
Theo đó, việc khai báo cần đảm bảo theo thời hạn ban đầu khi đến lưu trú như trên, không yêu cầu phải chính xác thời điểm hết lưu trú. Tức là trong trường hợp công ty bạn thì nếu có thay đổi thông tin tạm trú thì cứ khai báo lại chứ không bắt buộc phải chính xác theo thẻ tạm trú.
Đối với vấn đề về nước rồi nhập cảnh lại thì bản chất trong thời gian 7-10 ngày đó không còn lưu trú tại cơ sở lưu trú ở Việt Nam nữa nên đơn vị vẫn phải có trách nhiệm khai báo theo Khoản 3 nêu trên để xác định trong thời gian đó người nước ngoài không còn lưu trú tại cơ sở chứ không có quy định miễn.
Đối với vấn đề cuối cùng, khi doanh nghiệp không thực hiện thủ tục khai báo tạm trú cho người nước ngoài thì theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có nêu như sau:
"Điều 4. Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
...
Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
đ) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật;"
Theo đó, trường hợp đơn vị không thực hiện khai báo tạm trú cho lao động của mình thì rủi ro bị xử phạt theo Điểm đ Khoản 4 Điều 9 nêu trên. Mức phạt thuộc chương II áp dụng đối với cá nhân nên khi công ty vi phạm thì sẽ phạt từ 8.000.000 đồng đến 12.0000.000 đồng với mức phạt thông thường trung bình sẽ là 10.000.000 đồng.
Trân trọng!