Thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu của Bộ luật TTDS 2015 và Bộ luật dân sự 2015

Chủ đề   RSS   
  • #443149 02/12/2016

    chiakinguyen
    Top 500
    Lớp 3

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/06/2016
    Tổng số bài viết (208)
    Số điểm: 4134
    Cảm ơn: 87
    Được cảm ơn 264 lần


    Thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu của Bộ luật TTDS 2015 và Bộ luật dân sự 2015

    Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015Bộ luật dân sự năm 2015 có một số quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005; đó là:

     
    - Quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
     
    “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
     
    “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
     
    (Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 không có quy định này).
     
    - Quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015
     
    “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
     
    (Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm).
     
    - Quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015
     
    “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
     
    (Điều 607 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm).
     
    - Quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015
     
    “1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:  
    a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
    b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.
     
    (Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với bất động sản; không có quy định khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó; không có quy định giải quyết đối với trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản).
     
    Do Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật dân sự năm 2015 có những quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và Bộ luật dân sự năm 2005, nên việc áp dụng các quy định này đã được quy định tại Điều 517 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội khóa 13, đồng thời cũng đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; cụ thể là:
     
    1. Quy định tại Điều 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
     
    Điêu 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Hiệu lực thi hành:
     
    “1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định sau đây của Bộ luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017:
     
    “a) Quy định liên quan đến việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 4, các điều 43, 44 và 45 của Bộ luật này;
     
    “b) Quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
     
    “c) Quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 184 và điểm e khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này;
     
    “d) Quy định liên quan đến pháp nhân là người đại diện, người giám hộ.
     
    “2. Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016”.
     
    Theo nội dung quy định tại Điều 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời điểm có hiệu lực thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và thời điểm hết hiệu lực thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 được xác định như sau:
     
    1.1. Thời điểm có hiệu lực thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
     
    Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, trừ một số quy định mới có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, trong đó có các quy định mới liên quan đến áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 184 và điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì đến ngày 01/01/2017 mới có hiệu lực.
     
    Các quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đến ngày 01/01/2017 mới có hiệu lực là:
     
     “2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
     
    “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
     
    Các quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đến ngày 01/01/2017 mới có hiệu lực là:
     
    “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: …e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”.
     
    1.2. Thời điểm hết hiệu lực thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12
     
    Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, trừ các quy định tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016.
     
    Các quy định tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016 là:
     
    “1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
     
    “2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
     
    “3. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
     
    “a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;
     
    “b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
     
    “4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu”.
     
    Quy định tại điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016 là:
     
    “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: … h) Thời hiệu khởi kiện đã hết”.
     
    Như vậy, theo chúng tôi, nội dung quy định tại Điều 517 của Bộ luật TTDS năm 2015 cần được hiểu như sau:
     
    Cho đến hết ngày 31/12/2016, đối với trường hợp đương sự đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc nếu thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu đã hết, mà không căn cứ vào việc đương sự có hay không có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
     
    2. Quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự
     
    Điều 2 của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự quy định về việc áp dụng quy định về thời hiệu:
     
    “Đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự  số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12”.
     
    (Các quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 đã được viện dẫn tại điểm 1.2 mục 1 ở trên). 
     
    Như vậy, theo chúng tôi, nội dung quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 103/2015/QH13 của Quốc hội cần được hiểu như sau:
     
    Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 01/01/2017 thì Tòa án vẫn áp dụng quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.
     
    (Vì ngày phát sinh tranh chấp là ngày đương sự có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án, nên theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 103/2015/QH13 của Quốc hội khóa 13 thì trường hợp đương sự đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án trước ngày 01/01/2017 Tòa án vẫn phải căn cứ các quy định tại Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và các quy định tại Điều 427, Điều 607, Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 để xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu còn hay hết; nếu đã hết, Tòa án phải áp dụng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 để quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc).
     
    3. Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016
     
    Tại Điều 4 của Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính như sau:
     
    “Khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính thì cần lưu ý như sau:
     
    “1. Thời điểm phát sinh tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại  Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 là ngày khởi kiện, ngày yêu cầu. Việc xác định ngày khởi kiện, ngày yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
     
    “2. Thời điểm phát sinh vụ án hành chính quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 104/2015/QH13 là ngày khởi kiện. Việc xác định ngày khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 120 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.
     
    “3. Quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 được áp dụng đến hết ngày 31-12-2016 để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
     
    “4. Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.
     
    4. Bàn về việc áp dụng các quy định mới về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong một số trường hợp cụ thể
     
    Căn cứ quy định tại Điều 517 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội và căn cứ hướng dẫn tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, theo chúng tôi, việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong một số trường hợp cụ thể cần được áp dụng thống nhất như sau:
     
    4.1. Đối với các các giao dịch về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà đương sự có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì tùy từng trường hợp Tòa án giải quyết như sau
     
    a). Trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng đang trong quá trình giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng bản án, quyết định giải quyết chưa có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự  năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.
     
    b). Trường hợp Tòa án đã giải quyết và bản án, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015 để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; bởi vì:
     
    Theo quy định tại khoản 2 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực).
     
    c). Trường hợp Tòa án đã giải quyết và bản án, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bản án, quyết định đó bị kháng nghị vì lý do khác, thì khi xem xét lại bản án, quyết định đó theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự  năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.
     
    d). Trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết", thì đương sự không được quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 (*); bởi vì:
     
    Mặc dù theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây: ...d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật; nhưng đây lại không thuộc trường hợp được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 (vì quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 là đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này; còn đây là trường hợp đương sự đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, tức là đã phát sinh tranh chấp, trước ngày 01/01/2017). Do đó, trường hợp này phải áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội khóa 13 là “đối với các tranh chấp, yêu cầu... phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự  số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12.
     
    đ). Đối với trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là di sản thừa kế, mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã căn cứ theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không đủ điều kiện khởi kiện, nay đương sự lại khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế (*), thì Tòa án vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự  năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết; bởi vì:
     
    Đây thực chất là trường hợp tranh chấp di sản thừa kế, nhưng theo quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005 thì đã hết thời hiệu khởi kiện, vì thế đương sự chuyển sang khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là di sản thừa kế; tuy nhiên do không đủ điều kiện thuộc trường hợp “không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế” theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nên Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không đủ điều kiện khởi kiện. Do đó, việc sau ngày 01/01/2017 đương sự lại khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cũng thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 của Quốc hội.
     
    4.2. Đối với các giao dịch về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được xác lập trước ngày 01/01/2017, nhưng từ ngày 01/01/2017 đương sự mới có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gửi đến Tòa án (tức là từ ngày 01/01/2017 mới phát sinh tranh chấp, yêu cầu) thì Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.
     
    4.3. Ngày đương sự gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Tòa án được xác định theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
     
    Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi bàn về áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và của Bộ luật dân sự năm 2015. Rất mong được các bạn đồng nghiệp trao đổi.
     

    (*) Quan điểm này của chúng tôi khác với quan điểm được nêu tại khoản 2 Điều 3 của Dự thảo 1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện.

     
    (Theo Vĩnh Sơn_web Tòa án)
     
    100048 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận