Thời hạn tố giác tội phạm là bao lâu?

Chủ đề   RSS   
  • #517391 30/04/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Thời hạn tố giác tội phạm là bao lâu?

     

    Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015). Trong đó, cơ quan có thẩm quyền bao gồm những cơ quan nào, các bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.

    Như vậy, tố giác có vai trò là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh hành vi nào đó có dấu hiệu tội phạm hay không. Theo đó, kết quả của việc giải quyết tố giác về tội phạm sẽ là việc ra một trong ba quyết định sau: (1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; (2) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; (3)  Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.

    Vậy, hiện nay pháp luật có quy định về thời hạn tố giác tội phạm không? Nếu có, thời hạn này cụ thể là bao lâu?

    Câu trả lời là: pháp luật hiện nay không quy định về thời hạn tố giác. Bởi như đã đề cập ở trên, bản chất của tố giác là việc cá nhân báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi có dấu hiệu tội phạm. Qua đó, giúp cơ quan nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật và khắc phục hậu quả (nếu có). Vì vậy không thể buộc cá nhân phải xác định xem còn thời hiệu thực hiện quyền tố giác hay không. Điều này còn thể hiện được tinh thần toàn dân phòng chống tội phạm. Mặt khác, thay vì quy định thời hạn tố giác tội phạm, pháp luật quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, xác định một hành vi có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phải căn cứ vào thời hạn được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

    Điều 27: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

    1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

    a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

    b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

    c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

    d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

    3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

    Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

    Ngoài ra, vì tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng của hành vi mà pháp luật quy định một số tội không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm sau đây:

    -  Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII;

    -  Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI;

    - Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 ; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 .

    Như vậy, khi có tố giác về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận tố giác và xem xét có dấu hiệu tội phạm hay không. Nếu như có đầy đủ căn cứ và xét vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án.

     

    XỬ LÝ NGƯỜI KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM

    Tuy không quy định về thời hạn tố giác nhưng khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cá nhân nên thực hiện tố giác sớm nhất có thể đến cơ quan có thẩm quyền để có thể tiến hành điều tra, xử lý kịp thời hành vi phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Nếu biết về tội phạm nhưng không tố giác thì cá nhân đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

    Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

    1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    ….

     

    PHÂN BIỆT "TIN BÁO" VÀ "TỐ GIÁC" VỀ TỘI PHẠM

    Tố giác và tin báo về tội phạm là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau, theo Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

    - Tố giác về tội phạm: là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

    - Tin báo về tội phạm: là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

    Như vậy, khác với tin báo về tội phạm:

    + Thứ nhất, về chủ thể tố: chỉ có cá nhân mới có thể là chủ thể tiến hành tố giác về tội phạm. Còn tin báo về tội phạm có thể do cá nhân, tổ chức, cơ quan thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

    + Thứ hai, về yếu tố phát hiện hành vi: chủ thể tiến hành tố giác về tội phạm phải là người phát hiện (có thể chính là bị hại hoặc người chứng kiến hành vi có dấu hiệu phạm tội xảy ra). Trong khi đó, chủ thể tin báo về tội phạm chỉ cần có thông tin về vụ việc (được nghe lại, kể lại từ người khác,…) có dấu hiệu phạm tội là có thể tiến hành tin báo trên thông tin đại chúng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

     
    9837 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #517397   30/04/2019

    thuylinh2311
    thuylinh2311
    Top 75
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:01/12/2017
    Tổng số bài viết (920)
    Số điểm: 9451
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 142 lần


    Bổ sung thêm thông tin cho các bạn. Thông thường trong trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

    Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp đều phải thực hiện phân công điều tra hoặc ra quyết định phân công điều tra. Mà đói với những tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #536491   31/12/2019

    Thông tin thêm đến bạn!

    Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

    1. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

    Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.

    2. Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

    Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

    Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.

    3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

    Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

    4. Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

    5. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

     
    Báo quản trị |