Thời gian sinh hoạt chi bộ tối thiểu là bao lâu?

Chủ đề   RSS   
  • #617703 21/10/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26668
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 550 lần


    Thời gian sinh hoạt chi bộ tối thiểu là bao lâu?

    Thời gian sinh hoạt chi bộ tối thiểu hiện nay là bao lâu? Nội dung gồm những gì? Đảng viên dự bị có cần tham gia sinh hoạt chi bộ không?

    (1) Thời gian sinh hoạt chi bộ tối thiểu là bao lâu?

    Căn cứ tiết 3.3 Tiểu mục 3 Mục 2 Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2018 về tổ chức sinh hoạt chi bộ có quy định như sau:

    - Thời gian sinh hoạt chi bộ: Phải đảm bảo từ 90 phút trở lên. Nếu kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi thì phải đảm bảo thời gian tối thiểu 120 phút. Trường hợp chi bộ có quá ít đảng viên thì cấp ủy có thẩm quyền quy định cụ thể thời gian sinh hoạt.

    - Sổ biên bản sinh hoạt chi bộ ghi chép đầy đủ diễn biến của buổi sinh hoạt và được lưu giữ, bảo quản lâu dài để làm tài liệu tham khảo, giáo dục truyền thống cho đảng viên.

    Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay thời gian sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo tối thiểu từ 90 phút trở lên. Trường hợp kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi thì phải đảm đảm thời gian tối thiểu là 120 phút.

    (2) Nội dung sinh hoạt chi bộ bao gồm những gì?

    Hiện nay, theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2018 thì sinh hoạt chi bộ bao gồm những nội dung như sau:

    Đối với sinh hoạt thường kỳ: Căn cứ Điều lệ Đảng, định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, hằng tháng chi bộ sinh hoạt gồm các nội dung chủ yếu sau:

    - Về công tác chính trị, tư tưởng

    + Lựa chọn những nội dung thời sự trong nước, quốc tế, các vấn đề của địa phương, cơ quan, đơn vị sát với tình hình và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của chi bộ để phổ biến, trao đổi.

    + Thông báo kịp thời chủ trương, các văn bản của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phổ biến đến chi bộ.

    + Đánh giá tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; những vấn đề chi bộ cần quan tâm. Kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho đảng viên.

    - Về thực hiện nhiệm vụ chính trị

    + Đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng của chi bộ và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân để đề ra biện pháp khắc phục.

    + Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.

    + Đảng viên, nhất là người đứng đầu liên hệ, đánh giá việc thực hiện nội dung đã cam kết theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; về chống chạy chức, chạy quyền và chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng.

    + Kết quả lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội.

    + Xác định nhiệm vụ của chi bộ tháng tiếp theo và biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho đảng viên.

    Đối với sinh hoạt chuyên đề: Căn cứ chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ, mỗi quý ít nhất một lần chi bộ tổ chức sinh hoạt theo các nhóm vấn đề sau:

    - Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên.

    - Về các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

    - Về triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.

    - Về các giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ.

    - Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

    - Về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, chi bộ.

    - Về giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị cho cán bộ, đảng viên.

    - Những nội dung khác theo đặc điểm của từng loại hình chi bộ.

    Theo đó, hiện nay, sinh hoạt chi bộ sẽ bao gồm những nội dung như đã nêu trên.

    (3) Đảng viên dự bị có cần đi sinh hoạt chi bộ không?

    Tại tiết 1.1 mục 1 Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2018 có quy định về công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ như sau:

    Đối với sinh hoạt thường kỳ:

    - Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt, dự thảo nghị quyết (nếu có) hoặc dự kiến nội dung kết luận của buổi sinh hoạt.

    - Họp chi ủy (bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy) để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo; xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, biểu quyết tại chi bộ; cho ý kiến về dự thảo nghị quyết (nếu có).

    - Thông báo thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ đến đảng viên và cấp ủy viên cấp trên được phân công theo dõi chi bộ. Chi bộ có điều kiện gửi trước tài liệu sinh hoạt cho đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến.

    Đối với sinh hoạt chuyên đề:

    - Hằng năm, chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề để tổ chức thực hiện và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

    - Chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề để chuẩn bị bằng văn bản. Đối với chi bộ do điều kiện khó khăn không thể chuẩn bị chuyên đề sinh hoạt bằng văn bản, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cách thức sinh hoạt nhưng phải đảm bảo chất lượng.

    - Bí thư chi bộ trao đổi về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề với đảng viên được phân công. Dự thảo chuyên đề phải được chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông qua và gửi cho đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt.

    Bên cạnh đó, tại Điều 8 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 có quy định trường hợp Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên.

    Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay Đảng viên dự bị cũng phải tham gia sinh hoạt chi bộ. Trường hợp đảng viên dự bị không tham gia sinh hoạt chi bộ 03 tháng trong năm thì có thể xem xét, xóa tên khỏi danh sách.

     
    97 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận