Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù?

Chủ đề   RSS   
  • #611767 21/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19064
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 408 lần


    Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù?

    Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ hưởng trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên thì có được nghỉ bù không?

    (1) Thời gian nghỉ hè của giáo viên được tính thế nào?

    Theo Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019, số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tính như sau:

    - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

    - 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

    - 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.

    Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, thời gian nghỉ hè đối với giáo viên mầm non là 08 tuần. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 02 tháng. Thời gian nghỉ hè của giáo viên cũng được tính là thời gian nghỉ hằng năm của người lao động.

    Như vậy, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên bao gồm:

    - Thời gian nghỉ hằng năm theo Bộ Luật Lao động 2019 (12 ngày/năm)

    - Thời gian nghỉ hè

    Thời gian này được xem là thời gian nghỉ ngơi của người lao động, là quyền lợi của giáo viên; trong thời gian này, giáo viên được nghỉ nhưng vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).

    (2) Thời gian nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè, giáo viên có được nghỉ bù?

    Thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

    - Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

    - Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

    - Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

    Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là một quyền lợi của BHXH dành cho người lao động. Giáo viên nữ trong thời gian trước và sau khi sinh con được nghỉ 06 tháng và hưởng một khoản tiền chế độ thai sản theo mức của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định.

    Do đó, nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên bị trùng lặp, không có lợi cho người lao động.

    Trường hợp này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn giải quyết trong Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/8/2017. Theo đó, trong Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB nêu rõ:

    “Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động 2019 hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật lao động 2019. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính.”

    Như vậy, nếu thời gian nghỉ chế độ thai sản của giáo viên trùng với ngày nghỉ hè thì sẽ không được bù thời gian nghỉ hè mà chỉ được bố trí  thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113, Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019 (thời gian nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và cứ 5 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm 1 ngày).

    Nếu cơ sở giáo dục không bố trí được ngày nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên được thanh toán số tiền cho ngày nghỉ hằng năm chưa hưởng, mức hưởng được tính bằng mức lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề, phụ cấp khu vực,.. đang hiện hưởng của giáo viên.

     
    5583 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (31/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận