Chào bạn,
Điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP qui định vi bằng có giá trị chứng cứ khi tòa án xem xét giải quyết vụ án (tức chỉ có giá trị chứng cứ trong trường hợp Tòa án xem xét giải quyết vụ án chứ không có giá trị trong trường hợp khác), vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (tức Vi bằng chỉ là căn cứ khi nào pháp luật có qui định được thực hiện giao dịch bằng Vi bằng, pháp luật không qui định như vậy thì Vi bằng không là căn cứ).
Điều 188 Luật đất đai 2013 qui định người sử dụng đất được quyền thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất nếu có GCN, đất không bị tranh chấp, kê biên và còn thời hạn sử dụng. Tức pháp luật qui định muốn chuyển quyền SDĐ thì 1 trong các điều kiện là phải có GCN chứ không qui định là phải có Vi bằng.
Từ những phân tích nêu trên, cho thấy Vi bằng không có giá trị để ngăn chặn Người đứng tên trên GCN thực hiện việc chuyển quyền trong khi người nhờ đứng tên cũng không có khả năng theo dõi suốt 24/24 để ngăn chặn người đứng tên trên GCN thực hiện việc chuyển quyền (đừng tưởng giữ được bản chính GCN là an toàn, người đứng tên GCN vẫn có thể báo mất và xin cấp lại GCN rồi thực hiện giao dịch bình thường). Như vậy, việc lập Vi bằng trong trường hợp này chỉ là biện pháp "chữa cháy, có còn hơn không" chứ không bảo vệ được quyền lợi của người "chủ" thật sự nếu đối tác rắp tâm thực hiện ý đồ xấu, đến khi tới Tòa thì việc đã rồi, có khi thực tế chẳng còn thu về được cái gì.
Trân trọng.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557
231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM