Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hoàng Thịnh KHÔNG PHẢI BỒI THƯỜNG cho Hùng Dũng

Chủ đề   RSS   
  • #569277 24/03/2021

    hiesutran159
    Top 100
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/10/2020
    Tổng số bài viết (692)
    Số điểm: 11623
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 756 lần


    Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hoàng Thịnh KHÔNG PHẢI BỒI THƯỜNG cho Hùng Dũng

    Va chạm giữa Hoàng Thịnh và Hùng Dũng

    Vụ việc vừa xảy ra giữa hai cầu thủ bóng đá của ĐTQG Việt Nam đang làm xôn xao cộng đồng mạng, kéo theo đó là rất nhiều những bình luận, thắc mắc với đủ mọi quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, mình xin khẳng định nếu áp dụng pháp luật dân sự của Việt Nam. Hoàng Thịnh sẽ không phải bồi thường cho Hùng Dũng trong trường hợp này!

    Trước tiên, phải khẳng định rằng trong điều lệ của giải đấu bóng đá Vô địch quốc gia Việt Nam do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức, áp dụng các điều 39, 46 trong quy định kỷ luật của VFF thì mức án phạt của Hoàng Thịnh cao nhất là phải bồi thường từ 40 triệu đồng trở lên, bị cấm thi đấu đến 24 tháng hoặc vĩnh viễn.

    Tuy nhiên, nếu Hùng Dũng đem vụ việc này ra Tòa án để yêu cầu áp dụng quy định pháp luật về Dân sự giải quyết việc đền bù, vụ việc này phải giải quyết ra sao?

    Căn cứ đòi bồi thường

    Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

    “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

    3 yếu tố quan trọng để làm căn cứ bồi thường bao gồm:

    (1) Có hành vi trái pháp luật (hành vi xâm phạm)

    (2) Có thiệt hại

    (3) Hành vi xâm phạm “gây ra” thiệt hại – nói một cách khoa học là có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa hành vi xâm phạm và hậu quả.

    Trong trường hợp này, yếu tố (2) và (3) được nhận thấy rõ ràng, tuy nhiên hành vi vào bóng của Hoàng Thịnh có phải là hành vi trái pháp luật hay không thì vẫn còn gặp phải nhiều tranh cãi.

    Nghị quyết 06/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Dân sự Việt Nam. Trong đó có giải thích:

    “Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.”

    Như vậy, có quy định nào cho thấy việc vào bóng của Hoàng Thịnh là trái pháp luật không?

    Theo quy định tại Điều 10 Luật Thể dục thể thao 2006, các hành vi “bạo lực trong thể thao” bị nghiêm cấm. Hướng dẫn điều này, Điều 3 Nghị định 112/2007/NĐ-CP có định nghĩa:

    “3. Hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao:

    a) Cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao;”

    Câu hỏi tiếp theo được đặt ra ở đây là Hoàng Thịnh có cố ý gây chấn thương cho đồng nghiệp hay không?

    Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đúng là đã có trường hợp Quế Ngọc Hải vào bóng thô bạo với Trần Anh Khoa năm 2015 và đã từng bị VFF kết luật là “hành vi cố tình xâm phạm thân thể gây thiệt hại đến sức khỏe” (Quyết định 403-QĐ-LĐBĐVN ngày 15/9/2015).

    Có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định của pháp luật dân sự, rất khó xác định rằng đây là hành vi cố ý, bởi lẽ thực tế trong thể thao, những va chạm mạnh xảy ra không hề ít và các yếu tố chủ quan như lỗi cố ý phải được xem xét trong những hoàn cảnh cụ thể.

    Trong thể thao, mục đích của tất cả các cầu thủ đều là giành lấy lợi thế khi thi đấu, đôi lúc những động tác không được kiểm soát có thể gây ra thiệt hại, tuy nhiên bản chất của thiệt hại gây ra trong thể thao lại khác với việc cố ý gây thương tích, gây thiệt hại về sức khỏe theo quy định của Bộ luật Dân sự vì nó không hướng đến việc gây thiệt hại mà chỉ đơn thuần là thi đấu với nhau về sức khỏe.

    Hiểu đơn giản hơn: Khi thi đấu các môn võ thuật, chắc chắn sẽ có thương tích xảy ra, tuy nhiên không thể yêu cầu đòi bồi thường sau khi thi đấu!

    Tuy nhiên, phải nói rằng việc Hoàng Thịnh là một cầu thủ chuyên nghiệp, đã thi đấu nhiều trận đấu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao chắc chắn sẽ làm cầu thủ này hiểu rõ rằng pha vào bóng của mình là cẩu thả, có thể gây chấn thương rất nặng cho đồng đội.

    Cho dù Hoàng Thịnh không mong muốn nhưng đã để mặc cho thiệt hại xảy ra, đây là căn cứ để xác định anh có “lỗi cố ý” – là trường hợp “một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra” (Nghị quyết 03/2016).

    Dưới góc độ cá nhân, mình cho rằng cần phải xác định Hoàng Thịnh là người có lỗi trong trường hợp này và phải bồi thường! Bằng cách này, các cầu thủ, vận động viên sẽ phải ý thức hơn nữa việc bảo vệ sức khỏe lẫn nhau trong khi thi đấu thể thao.

    Vậy Hoàng Thịnh sẽ phải đứng ra bồi thường?

    Kể cả khi xác định Hoàng Thịnh là người sẽ phải bồi thường trong trường hợp này, ta cần lưu ý quy định tại Điều 597 Bộ Luật dân sự 2015, theo đó:

    "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật."

    Ở đây, việc thi đấu thể thao cho câu lạc bộ bóng đá chủ quản chính là việc bạn đang thực hiện hợp đồng lao động, là người của Pháp nhân, chính vì vậy trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về chủ câu lạc bộ chứ không phải bản thân cầu thủ.

    Hoàng Thịnh có thể sẽ phải hoàn trả tiền cho đội bóng của mình, tuy nhiên trách nhiệm bồi thường là của CLB TP. HCM.

    Mời các bạn đóng góp ý kiến!

     
    1392 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hiesutran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (24/03/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #569997   03/04/2021

    tqc-droit
    tqc-droit

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:03/04/2021
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 5
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 1 lần


    Chào bạn, mình có một số câu hỏi muốn đặt ra mong được trao đổi cùng bạn.

    Thứ nhất, theo suy nghĩ của mình, để xác định hành vi gây thiệt hại dẫn đến trách nhiệm bồi thường thì không nhất thiết cần phải có 1 quy định cụ thể rằng hành vi đó là trái pháp luật. Ví dụ, mình vô ý va vào bàn bạn đang ngồi dẫn đến việc chiếc máy tính của bạn bị rơi và hỏng. Hành vi này có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không cần một quy định cụ thể nào. Trên thực tế, không có hệ thống pháp luật nào có thể đặt ra tất cả các quy định mà việc vi phạm sẽ dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo thông lệ, pháp luật sẽ chỉ đặt ra chuẩn mực chung và việc vi phạm các chuẩn mực đó sẽ làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (khi các điều kiện khác cũng được hội tụ). Do đó, mình nghĩ không cần phải tìm kiếm một quy định cụ thể trong trường hợp này.

    Thứ hai, khi xác định lỗi cố ý, việc hành vi được thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể không quan trọng vì yếu tố lỗi mang tính chủ quan, do đó chỉ cần xem xét ở phương diện chủ quan của người có hành vi.

    Thứ ba, việc trong thể thao, đặc biệt là những hoạt động có nhiều nguy hiểm như bạn nói, ví dụ như khi thi đấu võ thuật, một bên bị chấn thương không thể yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại phải dựa trên nguyên tắc chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên nguyên tắc này chưa được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi tại Việt Nam (theo như mình biết). Theo nguyên tắc này thì khi tham gia vào một hoạt động thể thao có nhiều rủi ro, các bên đều chấp nhận rằng một số thiệt hại có thể xảy ra, nhưng không phải tất cả. Ví dụ khi bạn tham gia đá bóng thì có thể coi rằng bạn chấp nhận rủi ro bị chấn thương trong lúc tranh cướp bóng nhưng khó có thể nói là bạn chấp nhận rủi ro tử vong trong lúc tranh cướp bóng do hành vi vô ý của một cầu thủ khác gây ra. Do đó trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh.

    Về tình huống thực tế, để xác định lỗi cố ý hay không mình không bàn vì do Tòa án sẽ xem xét dựa trên cơ sở phân tích tình huống và tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại dựa trên chuẩn mực chung. Theo ý kiến cá nhân thì mình nghiêng về phía nhận xét của bạn, mình cũng cảm thấy pha vào bóng là ác ý và cố tình gây thiệt hại chứ không vì mục đích tranh cướp.

    Mong được tranh luận cùng bạn.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tqc-droit vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (03/04/2021)