Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ. Trong đó có đề cập như sau:
- Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
- Tiền lương trong hợp đồng lao động áp dụng một trong hai hình thức: Áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động hoặc áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức;
=> Theo hướng dẫn trên thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thể thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của đơn vị.
=> Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì bảng lương của công chức, viên chức là Bảng 2, Bảng 3 tại Nghị định này. Còn hệ số cụ thể thì phải dựa trên yêu cầu vị trí công việc và khả năng ngân sách của đơn vị mà đơn vị quyết định ạ.
Đối với hợp đồng dịch vụ thì tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP thì không hướng dẫn về số tiền chi trả. Tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định này chỉ đề cập đến việc ký kết Hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Mà theo Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
=> Do đó, mức trả tiền dịch vụ này sẽ do 2 bên thỏa thuận với nhau.