(1) Theo Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp đang tranh chấp có tiếp tục canh tác được không?
Căn cứ theo Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai năm 2024.
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với đất đang có tranh chấp người dân không được thực hiện các giao dịch liên quan với đất như chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn, vẫn được quyền sử dụng đất khi không bị áp dụng biện pháp tạm thời. Còn đối với việc sử dụng, canh tác đất như sau:
Cụ thể tại Điều 26 Luật Đất Đai năm 2024 quy định về quyền chung của người sử dụng đất :
- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp.
- Hưởng các lợi ích khi Nhà nước đầu tư để bảo vệ, cải tạo và phát triển đất nông nghiệp.
- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, phục hồi đất nông nghiệp.
- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
- Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Điều 26 Luật Đất Đai năm 2024
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, người sử dụng đất có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và pháp luật Việt Nam không cấm việc người sử dụng đất sử dụng đất nông nghiệp đang bị tranh chấp.
Trong trường hợp chưa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, nếu người sử dụng đất nông nghiệp có giấy tờ hợp pháp chứng minh được quyền sở hữu với mảnh đất nông nghiệp đó thì có thể tiếp tục, canh tác khai thác mảnh đất đó.
Ngoài ra, đương sự khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến tranh chấp đất đai theo Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bao gồm:
- Kê biên tài sản đang tranh chấp.
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
- Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.
- Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
Biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Như vậy, nếu tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm thời tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp thì người sử dụng đất không được phép canh tác.
(2) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai căn cứ theo Điều 236 Luật đất đai năm 2024:
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật đất đai năm 2024 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
-Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật đất đai năm 2024 thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 236 Luật đất đai năm 2024:
- Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tóm lại, khi đất đang có tranh chấp nếu chưa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như chưa có kết luận cuối cùng của Tòa án thì người sử dụng đất có thể canh tác, khai thác mảnh đất.