Ở góc độ pháp lý, Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
Góp vốn vào doanh nghiệp là một trong những nội dung được đông đảo người dân đặc biệt là giới kinh doanh quan tâm. Tới đây khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thì có 2 nhóm đối tượng được góp vốn vào doanh nghiệp đó là:
- Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp tài sản góp vốn;
- Cá nhân, tổ chức là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản góp vốn.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự mở rộng đối tượng được góp vốn vào doanh nghiệp, theo đó không chỉ có các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu mà người có quyền sử dụng hợp pháp tài sản cũng được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì chỉ có cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp mới được góp vốn vào doanh nghiệp.
"Điều 35. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn".
Tài sản góp vốn theo luật mới gồm những gì?
Theo Khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Cập nhật bởi anthuylaw ngày 28/07/2020 12:11:14 CH
chính tả
Không có gì là không thể.