Thế nào là ĐTM? Có phải dự án đầu tư nào cũng phải thực hiện ĐTM?

Chủ đề   RSS   
  • #614079 15/07/2024

    vyle2512

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:10/06/2024
    Tổng số bài viết (8)
    Số điểm: 40
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Thế nào là ĐTM? Có phải dự án đầu tư nào cũng phải thực hiện ĐTM?

    Trong nền kinh tế hiện đại, song song với sự phát triển kinh tế xã hội thì mối lo ngại về môi trường ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Khi các doanh nghiệp đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng thì báo cáo ĐTM là một trong những thủ tục mà các cơ quan hành chính yêu cầu để có thể xem xét hồ sơ quyết định cấp giấy phép. Vậy ĐTM được pháp luật quy định như thế nào?

     

    1. ĐTM được định nghĩa là gì?

    Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:

    Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

    Có thể hiểu, ĐTM là một quá trình xác định và đánh giá các tác động tiềm ẩn đến môi trường của một dự án, chương trình hoặc hoạt động được đề xuất. Mục đích của ĐTM là đảm bảo rằng các quyết định liên quan đến các dự án, chương trình hoặc hoạt động này được đưa ra một cách có trách nhiệm, có tính đến các tác động môi trường tiềm ẩn.


    2. Đối tượng nào phải thực hiện ĐTM?

    Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường như sau:

     

    Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

    + Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;

    + Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.

    Cụ thể, danh mục dự án đầu tư nhóm I theo khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư như sau:

    - Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:

    + Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

    + Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.

    Danh mục dự án nhóm II phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:

    - Dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:

    + Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

    + Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

    Như vậy, các nhóm dự án đầu tư trên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trường hợp, các dự án đầu tư trên thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

    Tóm lại, ĐTM là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình khác. Từ đó, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường.

    Đây được xem là công cụ quản lý môi trường quan trọng trong xã hội, giúp quá trình quy hoạch môi trường được diễn ra hiệu quả, các dự án sớm thực thi. Đặc biệt, tối đa được tình trạng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường trong thời gian dài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     
     
    112 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận