Quy định pháp luật hiện hành về điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng như thế nào thì chúng ta cũng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé
Điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 17/2018/TT-BCA có quy định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ là việc chuyển tạm thời vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác trong một thời gian nhất định. Khi thực hiện xong nhiệm vụ sẽ chuyển trả về Công an đơn vị, địa phương trước đó đã điều động.
Như vậy, việc điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng chỉ là việc chuyển tạm thời vũ khí, vật liệu nổ quân dụng của Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác trong một thời gian nhất định.
Vậy nên khi thực hiện xong nhiệm vụ sẽ chuyển trả về Công an đơn vị, địa phương trước đó đã điều động.
Thẩm quyền để điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng bao gồm những ai? Việc điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng có phải lập biên bản bàn giao hay không?
Căn cứ tại khoản 2 khoản 3 Điều 7 Thông tư 17/2018/TT-BCA có quy định về thẩm quyền điều động như sau:
- Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ Bộ Công an sang các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài ngành Công an;
- Thủ trưởng cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an quyết định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an;
- Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương quyết định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Sau khi có quyết định điều động của cấp có thẩm quyền, Công an các đơn vị, địa phương phải lập biên bản bàn giao, trong đó ghi rõ loại, số lượng, chất lượng, số hiệu, nước sản xuất, thiết bị, phụ tùng kèm theo của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được điều động. Biên bản phải có chữ ký của cán bộ trực tiếp giao, nhận và xác nhận của lãnh đạo đơn vị các bên có liên quan.
Theo đó, việc điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng phải do người có thẩm quyền nêu trên thực hiện và sau khi có quyết định điều động của cấp có thẩm quyền, Công an các đơn vị, địa phương phải lập biên bản bàn giao.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm gì trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng?
Theo Điều 11 Thông tư 17/2018/TT-BCA có quy định về trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng như sau:
- Lập kế hoạch trang bị, tổ chức tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
- Tổng hợp, báo cáo về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý.
- Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an có trách nhiệm:
+ Lập kế hoạch trang bị, cấp phát vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân;
+ Lập biểu định mức, tỷ lệ và cơ cấu trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương; tính lượng dự trữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ để tại kho của Bộ Công an;
+ Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;
+ Kiểm tra, đánh giá chất lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền để thanh lý, tiêu hủy theo quy định;
+ Tổ chức kiểm tra công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ tại Công an các đơn vị, địa phương.
Như vậy, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an sẽ có trách nhiệm quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng theo quy định nêu trên.
Từ những căn cứ nêu trên thì điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật và việc điều động này phải được thực hiện bởi những người có thẩm quyền.