Khi tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an ngoài việc được đào tạo về công tác nghiệp vụ, huấn luyện thì người tham gia còn được đào tạo nghề và các trợ cấp có liên quan để hỗ trợ người học sau khi hoàn thành nghĩa vụ có thể tìm kiếm việc làm. Vậy thẻ học nghề sau khi hoàn thành sẽ có giá trị trong bao lâu?
1. Người được hỗ trợ đào tạo nghề là những ai?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 61/2015/NĐ-CP có quy định Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Thứ nhất có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Thứ hai chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
2. Người được hỗ trợ đào tạo nghề được đào tạo ra sao?
Người tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an sẽ được đào tạo nghề theo nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề quy định tại Điều 16 Nghị định 61/2015/NĐ-CP như sau:
- Các đối tượng theo quy định tại mục (1) tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:
+ Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
- Các đối tượng theo quy định tại mục (1) tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.
Theo đó, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an ngoài việc được trợ cấp tiền còn được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị bằng 12 tháng tiền lương cơ sở và có thời hạn sử dụng 01 năm.
3. Mức chi tiền hỗ trợ đào tạo nghề cho người tham gia quân sự hoặc công an
Căn cứ Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên có quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người học nghề như sau:
- Thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề (sau đây gọi là Thẻ) thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ các nội dung sau:
+ Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
+ Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
- Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.
- Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.
Như vậy người tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an sẽ được hỗ trợ, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời được hỗ trợ đào tạo nghề. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ được cấp bằng sơ cấp nghề trong thời hạn 12 tháng để cho công dân tìm kiếm việc làm.