Thẻ ghi nợ nội địa là gì? Cách phân biệt thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế? Tổ chức phát hành thẻ ghi nợ nội địa cần tuân thủ những quy định gì? Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc nêu trên.
(1) Thẻ ghi nợ nội địa là gì?
Hiện tại, trong hệ thống văn bản pháp luật không có định nghĩa cụ thể thế nào là “thẻ ghi nợ địa địa”. Tuy nhiên, có thể căn cứ dựa trên quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2016 TT-NHNN giải thích về thẻ ghi nợ như sau:
“2. Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.”
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN có đề cập đến giao dịch nội địa xuất trình thẻ như sau:
“Giao dịch nội địa xuất trình thẻ là giao dịch thẻ, trong đó thẻ được phát hành bởi tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam và được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ tại máy giao dịch tự động, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tại Việt Nam.”
Từ những quy định nêu trên, có thể hiểu đơn giản thẻ ghi nợ nội địa là một loại thẻ do ngân hàng phát hành sau khi khách hàng mở tài khoản thanh toán. Với thẻ ghi nợ nội địa, chủ thẻ có thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển khoản…trong hạn mức số tiền hiện có trong tài khoản thẻ. Ngoài ra, chức năng thẻ ghi nợ nội địa bị giới hạn trong phạm vi quốc gia, có nghĩa là người chủ sở hữu chỉ có thể giao dịch, thanh toán bằng thẻ tại quốc gia mà người đó đang sinh sống.
(2) Cách phân biệt thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế
Tiêu chí
|
Thẻ ghi nợ nội địa
|
Thẻ ghi nợ quốc tế
|
Đơn vị phát hành
|
Ngân hàng trong nước
|
Liên kết giữa ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế như: VISA, MasterCard, JCB,..
|
Phạm vi sử dụng
|
Nội địa - trong nước
|
Toàn cầu
|
Mức phí duy trì thẻ
|
- Mức phí thường niên dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng.
- Mức phí duy trì thẻ/năm dao động từ 20.000 – 50.000 đồng (Một số ngân hàng MIỄN PHÍ).
|
Mức phí duy trì thẻ/năm của thẻ ghi nợ quốc tế thường sẽ có chênh lệch khá lớn đối với thẻ ghi nợ nội địa, dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng.
|
Hạn mức rút tiền
|
Tối đa 50 triệu đồng/ngày
|
Tối đa từ 50 – 100 triệu đồng/ngày, tùy theo quy định từng ngân hàng.
|
Hạn mức chuyển khoản
|
Tối đa 100 triệu đồng/ngày
|
Từ 100 triệu đồng/ngày đến không giới hạn, tùy theo quy định từng ngân hàng.
|
(3) Tổ chức phát hành thẻ ghi nợ nội địa cần tuân thủ những quy định gì?
Hiện nay, ngoài việc đến tận phòng giao dịch của ngân hàng để mở thẻ ghi nợ nội địa. Thì các cá nhân có nhu cầu còn có thể thực hiện mở thẻ ghi nợ nội địa online. Tuy nhiên, các tổ chức phát hành thẻ cần phải tuân thủ theo trình tự được quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN như sau:
Xây dựng quy trình: các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) có trách nhiệm:
- Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định tại Khoản 5 Điều 10, Khoản 3 Điều 1 và Điều 14 Thông tư 17/2021/TT-NHNN.
- Xác minh thông tin khách hàng.
- Cảnh báo khách hàng về các hành vi vi phạm khi mở và sử dụng thẻ.
- Cung cấp hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ cho khách hàng với các nội dung quy định tại Điều 13 Thông tư 17/2021/TT-NHNN.
- Thông báo thông tin thẻ cho khách hàng, bao gồm tên TCPHT, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ.
Quyết định biện pháp nhận biết và xác minh khách hàng:
- Áp dụng công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu thông tin khách hàng, đảm bảo khớp đúng với thông tin trên giấy tờ và dữ liệu sinh trắc học (các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác).
- Xác nhận đồng ý của khách hàng với hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
- Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro như dưới đây và đồng thời thường xuyên rà soát, hoàn thiện trên những thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình cung ứng dịch vụ, cụ thể:
+ Có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi phát hành thẻ cho khách hàng.
+ Có biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử là chủ thẻ chính
- Lưu trữ, bảo quản thông tin khách hàng an toàn, bảo mật, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu. Ngoài ra, TCPHT còn phải đảm bảo các thông tin nêu trên được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán):
- Tổng hạn mức giao dịch tối đa: 100 triệu đồng/tháng (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán).
- Không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài và thanh toán quốc tế.
Trường hợp ngoại lệ: TCPHT cũng có thể được quyết định hạn mức giao dịch cao hơn và được thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế khi thực hiện một trong các biện pháp sau:
- Áp dụng công nghệ đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu căn cước công dân.
- TCPHT áp dụng giải pháp video call để thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng. Sau khi TCPHT đã thực hiện nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp.
Tuy nhiên, giải pháp video call nêu trên phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu như: đảm bảo an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; lưu trữ toàn bộ dữ liệu âm thanh, hình ảnh hoặc bản ghi hình, ghi âm trong quá trình phát hành thẻ cho khách hàng.
Bên cạnh những quy định nêu trên, Thông tư 17/2021/TT-NHNN cũng đề cập đến các đối tượng bao gồm Điểm b Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 16 Thông tư 17/2021/TT-NHNN là những đối tượng sẽ không được cấp thẻ. Đồng thời, trường hợp khách hàng cá nhân là người nước ngoài có nhu cầu mở thẻ ghi nợ thì phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư 17/2021/TT-NHNN.