Tình trạng thấy người bị tai nạn giao thông nhưng không cứu giúp xảy ra rất nhiều hiện nay. Một phần lý do tranh mang phiền phức vào người vì dễ bị hiểu lầm là người gây ra tai nạn. Khi xảy ra tai nạn, ngoài những vấn đề pháp lý và bồi thường thiệt hại giữa các bên, việc cứu giúp người khi bị tai nạn cũng là một việc vô cùng quan trọng cần phải để tâm.
Phải chăng con người ta càng trở nên thờ ơ, vô cảm với nhau? Thậm chí, có kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn. Hành động đó không chỉ dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hóa đạo đức trong xã hội mà còn được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời. Thực chất đây không chỉ là sự vô cảm, dưới góc độ pháp lý đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Theo điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
-
Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu;
-
Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.
Theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
- Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
+ Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
- Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, trong một số trường hợp giúp được cứ giúp, phần nào cứu được một tính mạng con người. Hơn thế nữa, tránh bị xử phạt theo pháp luật quy định.