Hiện nay, do đặc thù công việc, các doanh nghiệp có thể thuê các lao động nước ngoài về làm việc cho công ty mình. Tuy nhiên, khi thay đổi trụ sở, doanh nghiệp phải đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, kéo theo đó là phải làm thủ tục cấp lại giấy phép lao động.
Khoản 3 Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp cấp lại giấy phép lao động:
Điều 12. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động
…
3. Thay đổi họ và lên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì khi thay đổi địa điểm làm việc thì lao động nước ngoài phải xin cấp lại giấy phép lao động do thay đổi địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động.
Hình thức xử lý đối với trường hợp không xin giấy phép lao động
Điều 153 Bộ luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài như sau:
- Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Do đó, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu cũng như tổn hao về mặt tài chính thì các doanh nghiệp nên tìm hiểu và thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lao động.