Thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần

Chủ đề   RSS   
  • #529156 27/09/2019

    thusa121
    Top 500
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:01/08/2019
    Tổng số bài viết (194)
    Số điểm: 1198
    Cảm ơn: 6
    Được cảm ơn 79 lần


    Thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần

    Trong công ty cổ phần, thành viên độc lập Hội đồng quản trị đóng vai trò đảm bảo tính minh bạch trong các quyết định, ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động trong quản trị công ty. Do đó, quy định về thành viên độc lập Hội đồng quản trị là một trong những quy định đáng chú ý trong công ty cổ phần. 

    Ai có thể là thành viên độc lập Hội đồng quản trị?

    Theo quy định tại khoản 2, Điều 151, Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải là người có các điều kiện và tiêu chuẩn sau:

    - Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.

    - Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

    - Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

    - Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;

    - Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.

    Ngoài ra, khoản 3, Điều 151, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thêm: Thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải thông báo với Hội đồng quản trị về việc không còn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và đương nhiên không còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện. Hội đồng quản trị phải thông báo trường hợp thành viên độc lập Hội đồng quản trị không còn đáp ứng đủ điều kiện tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất hoặc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên độc lập Hội đồng quản trị đó trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của thành viên độc lập Hội đồng quản trị có liên quan.

    Có bắt buộc có thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần?

    Trường hợp 1:

    Khoản 1, Điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

     

    Điều 134. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần.

    1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

    a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

    b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.”

     

    - Nếu doanh nghiệp tổ chức theo mô hình 1 của điểm a, khoản 1, Điều 134 thì không bắt buộc có thành viên độc lập Hội đồng quản trị vì đã có Ban Kiểm soát.

    - Nếu doanh nghiệp theo mô hình tổ chức của điểm b, khoản 1, Điều 134 thì phải bắt buộc có ít nhất 20% số thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Tức là Hội đồng quản trị phải có ít nhất 1/5 số thành viên là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị của công ty có ít hơn 05 người, công ty phải đảm bảo có 01 thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

    Trường hợp 2: Công ty đại chúng niêm yết

     Công ty đại chúng là công ty cổ phần được quy định tại Điều 25, Luật Chứng khoán:

     

    “Điều 25. Công ty đại chúng

    1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây:

    a) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;

    b) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;

    c) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.”

    Cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập trong mọi trường hợp (khoản 1 điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014 đã ưu tiên cho pháp luật về chứng khoán có quyền quy định khác). Bên cạnh đó, công ty đại chúng này vẫn phải bảo đảm có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên không điều hành.

    Nhiệm kỳ, và số lượng của thành viên hội đồng quản trị

    Điều 150, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

     

    “Điều 150. Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị

    1. Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.

    2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định.

    3. Trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

    4. Trường hợp công ty cổ phần được tổ chức quản lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 của Luật này thì các giấy tờ, giao dịch của công ty phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước họ, tên của thành viên Hội đồng quản trị tương ứng.

    5. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, quyền, nghĩa vụ, cách thức tổ chức và phối hợp hoạt động của các thành viên độc lập Hội đồng quản trị.”

     

    Như vậy, nhiệm kỳ của thành viên độc lập hội đồng quản trị là 5 năm. Còn cụ thể về số lượng, quyền, nghĩa vụ, cách thức tổ chức và phối hợp của các thành viên độc lập Hội đồng quản trị do điều lệ mỗi công ty quy định theo các tiêu chuẩn của pháp luật.

    Căn cứ pháp lý:

    Luật Doanh nghiệp 2014

    Văn bản hợp nhất Luật Chứng khoán

    Nghị định 71/2017/NĐ-CP

     

     
    18541 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn thusa121 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (28/09/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận