Đối tượng để gia nhập Công đoàn Việt Nam là ai? Công đoàn có các cấp như thế nào và được quy định ở đâu? Điều kiện và tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở?
Đối tượng để gia nhập Công đoàn Việt Nam là ai?
Căn cứ tiết 3.1 Mục 3
Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 quy định về đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam là Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.
- Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
- Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.
- Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong doanh nghiệp là một trong những đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật thì Công đoàn Việt Nam có các cấp như thế nào?
Theo Khoản 3, 4 Điều 7
Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định về hệ thống tổ chức công đoàn các cấp thì Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp sau đây:
- Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Liên đoàn).
- Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.
- Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:
+ Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);
+ Công đoàn ngành địa phương;
+ Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);
+ Công đoàn tổng công ty;
+ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
- Cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở).
Như vậy, Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất gồm có 4 cấp từ trung ương cho tới cơ sở.
Điều kiện và tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở?
Căn cứ Điều 6
Quyết định 3169/QĐ-TLĐ năm 2021 quy định về tiêu chuẩn ủy viên ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Đối với Ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở:
+ Hiểu biết sâu về lĩnh vực ngành, nghề, tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có uy tín, được đông đảo đoàn viên, người lao động tín nhiệm; có khả năng vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương, ngành, đơn vị và của tổ chức công đoàn để đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
+ Đối với ủy viên ban thường vụ (nếu có) cần đáp ứng thêm tiêu chuẩn về nghiệp vụ, tay nghề chuyên môn nổi trội; có khả năng tổ chức điều hành hoạt động của công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
+ Về độ tuổi: Đối với nhân sự là cán bộ công đoàn chuyên trách, nhân sự tại cơ quan chuyên trách của Đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước phải đáp ứng yêu cầu về tuổi bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Tổng Liên đoàn. Nhân sự tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng đảm bảo tại thời điểm giới thiệu ứng cử lần đầu tối đa không quá 70 tuổi đối với nam và 65 tuổi đối với nữ.
- Đối với Chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở:
+ Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn: Nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của ban chấp hành.
+ Có khả năng cụ thể hóa chương trình, nghị quyết, kế hoạch của công đoàn cấp trên để triển khai thực hiện tại cơ sở; có năng lực tập hợp, thu hút người lao động.
+ Có kỹ năng đối thoại, thương lượng; có bản lĩnh, hiểu biết đặc điểm tình hình của đơn vị, doanh nghiệp, có khả năng phối hợp tốt với người sử dụng lao động trong tổ chức triển khai các hoạt động của công đoàn cơ sở;
+ Đã tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí cán bộ tổ công đoàn trở lên hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Đối với chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở là cán bộ công đoàn chuyên trách phải có trình độ chuyên môn đại học trở lên.
Như vậy, ủy viên ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở phải đáp ứng đủ các điều kiện đã được nêu bên trên như là về độ tuổi, trình độ và các tiêu chuẩn, khả năng khác.