Trước thềm Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân tăng cao, từ đó nhiều dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới cũng tràn lan trên mạng xã hội.
Nhiều bài viết công khai quảng cáo với tít” đổi tiền mới, phí rẻ” thu hút người dân. Tuy nhiên, hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới kiếm lời không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà nhiều trường hợp người dân còn “tiền mất tật mang” với những chiêu lừa đảo của chúng.
Hiện trạng
Mỗi dịp Tết về, vấn đề đổi tiền mới, tiền lẻ lại diễn ra sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được những quảng cáo về “ đổi tiền mới số seri đẹp theo năm sinh”, “đổi tiền mới phí rẻ”. Cụ thể là những dịch vụ quảng cáo của những trang web chuyên về đổi tiền lẻ, tiền mới với đủ mọi phương thức.
Theo đó, loại hình này còn áp dụng cho các khách hàng ở xa, người dân chỉ cần chuyển khoản số tiền muốn đổi kèm với mức phí đổi tiền, mức phí này linh hoạt theo từng loại tiền và từng thời điểm, phục vụ giao hàng tận nơi.
Qua các tờ báo đưa tin, thời điểm này mức phí đổi tiền mệnh giá lớn như 100.000 - 200.000 đồng dao động từ 3 - 6%, tiền lẻ từ 1.000 - 2.000 đồng từ 10 - 15%.
Như vậy, nếu đổi khoảng 2 triệu đồng mệnh giá 2.000 đồng, người dân có thể mất tới 300.000 đồng tiền phí. Đối với khách hàng có nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, mức phí này theo quảng cáo sẽ được chiết khấu phải chăng.
Đối với một số tờ tiền có số seri đẹp hay theo ngày sinh thì mức phí đổi tiền này có thể cao hơn, dao động từ 30-35%.
Như vậy, các mức phí đổi tiền này không hề cố định mà do các đối tượng này tự đặt ra để kiếm lời. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi lừa đảo qua việc đổi tiền mới, tiền lẻ
Thông thường phương thức của việc đổi tiền mới, tiền lẻ là giao dịch online. Người bán yêu cầu khách hàng chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng với phí chênh lệch rồi mới giao tiền theo yêu cầu. Tuy nhiên, không ít người sau khi nhận về, cọc tiền không như mong đợi, không phải là tiền mới mà lẫn tiền cũ nát, thậm chí có cả tiền giả.
Hành vi thu đổi tiền bất hợp pháp
Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Mức phạt dành cho hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới kiếm lời
Theo điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định vi phạm về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:
Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật.
Như vậy, cá nhân cho đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng phần trăm chênh lệch hoặc đổi tiền để thu phí,...có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng.
Đối với tổ chức, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, khi tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính đến 80 triệu đồng.
Xử phạt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?
Tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 02-03 triệu đồng đối với hành vi:
Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định:
Phạt tiền từ 03-05 triệu đồng đối với hành vi: Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.
Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Mức phạt cao nhất đối với Tội này, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 20 năm tù hoặc chung thân khi Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.