Tôi có một vài thắc mắc trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau rất mong nhận được sự giúp đỡ từ Luật sư. Thứ nhất: Về thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện là được xử phạt tiền đến 8 triệu, vậy trưởng công an cấp huyện có được quyền ký kế hoạch cho cấp dưới đi thực hiện nhiệm vụ với những lỗi trên 8 triệu không (kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra tải trọng...). Thứ hai: Trong 1 quyết định xử phạt bao gồm nhiều lỗi có tổng mức phạt trên 8 triệu thì trưởng công an cấp huyện có đủ thẩm quyền ký không? Thứ ba: theo kế hoạch thì cấp dưới của trưởng công an cấp huyện lập lỗi vi phạm 15 triệu + tạm giữ phương tiện thì trưởng công an cấp huyện có đủ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện không?
Căn cứ tại điểm b Khoản 4 Điều 72 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì trưởng công an cấp huyện có thẩm quyền phạt bằng hình thức phạt tiền đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Về kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai của cảnh sát giao thông theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành thì:
"Điều 8. Tuần tra, kiểm soát công khai
...
2. Tuần tra, kiểm soát công khai phải có kế hoạch được Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, địa điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát."
Như vậy, trưởng công an cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai của cảnh sát giao thông về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Chiến sĩ cảnh sát giao thông chỉ có thẩm quyền lập biên bản về hành vi vi phạm trong phạm vi kế hoạch tuần tra. Việc ra quyết định xử phạt vẫn thuộc thẩm quyền của Trưởng công an cấp huyện.
Vấn đề thứ hai, nếu như trong một quyết định xử phạt bao gồm nhiều lỗi có tổng mức phạt trên 8 triệu đồng thì trưởng công an cấp huyện vẫn có thẩm quyền xử phạt, vì thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp huyện là phạt đối với từng hành vi, nếu như những hành vi vi phạm này mức lỗi xử phạt dưới 8 triệu đồng thì trưởng công an cấp huyện vẫn có thẩm quyền xử phạt (không tính việc xử phạt bằng hình thức cộng tổng số tiền phạt lại). Trưởng công an cấp huyện chỉ không có thẩm quyền xử phạt khi với một lỗi nhưng mức phạt của lỗi đó vượt quá 8 triệu đồng.
Vấn đề thứ ba, trưởng công an cấp huyện không có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện trong trường hợp này nếu như chỉ với một lỗi vi phạm mà mức phạt cao nhất là 15 triệu đồng thì trưởng công an cấp huyện không có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì người có thẩm quyền xử phạt mới được phép tạm giữ phương tiện (còn nếu tương tự như trường hợp ở vấn đề thứ hai thì vẫn có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện). Việc tạm giữ phương tiện này có thể căn cứ vào Khoản 4 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.