Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm

Chủ đề   RSS   
  • #609815 22/03/2024

    Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm

    Dự toán mua sắm là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
     
    Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm
     
    Theo khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu 2023 quy định căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm bao gồm:
     
    - Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (nếu có);
     
    - Dự toán mua sắm;
     
    - Văn bản pháp lý có liên quan.
     
    Hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
     
    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Đấu thầu 2023 quy định hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần có những nội dung sau:
     
    - Phần công việc đã thực hiện, bao gồm nội dung công việc của gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và căn cứ pháp lý để thực hiện;
     
    - Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu;
     
    - Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu;
     
    - Phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có), trong đó nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;
     
    - Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. Tổng giá trị của phần này không được vượt dự toán mua sắm;
     
    - Nội dung khác có liên quan.
     
    Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm
     
    Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Đấu thầu 2023 quy định người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
     
    Trong đó người có thẩm quyền theo khoản 24 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 là người quyết định đầu tư hoặc người quyết định việc mua sắm theo quy định của pháp luật.
     
    Và căn cứ Điều 91 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền quyết định việc mua sắm theo các trường hợp sau:
     
    (1) Thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản:
     
    - Thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản công tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
     
    - Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản thuộc các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước;
     
    - Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với nguồn kinh phí thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
     
    (2) Thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ không thuộc các trường hợp tại mục (1):
     
    - Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của cơ quan trung ương (bao gồm cả việc mua sắm tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan trung ương);
     
    - Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của địa phương (bao gồm cả việc mua sắm tại cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc phạm vi quản lý của địa phương);
     
    - Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định và được quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị không quá 200 triệu đồng;
     
    - Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
     
    =>> Theo đó có thể hiểu thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm chính là do người có thẩm quyền quyết định việc mua sắm thực hiện theo quy định trên.
     
    3136 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận