Thẩm quyền ký ban hành văn bản thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chủ đề   RSS   
  • #607041 24/11/2023

    Thẩm quyền ký ban hành văn bản thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

    "Văn bản" thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là thông tin thành văn được truyền đạt bằng ngôn ngữ hoặc ký hiệu, hình thành trong hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được trình bày đúng thể thức, kỹ thuật theo quy định.
     
    Theo đó hiện nay quy định thẩm quyền ký ban hành văn bản thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thể hiện tại Điều 15 Quyết định 3666/QĐ-BGDĐT năm 2023 về Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
     
    Thẩm quyền ký ban hành văn bản cấp lãnh đạo Bộ
     
    - Bộ trưởng có thẩm quyền ký tất cả văn bản do Bộ GDĐT ban hành.
     
    - Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng khi được giao và phải báo cáo Bộ trưởng văn bản đã ký thay (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).
     
    - Trong trường hợp đặc biệt, Lãnh đạo Bộ có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị ký thừa ủy quyền một số văn bản. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của Bộ GDĐT. Nội dung ký thừa ủy quyền phải báo cáo Lãnh đạo Bộ sau khi phát hành (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).
     
    Thẩm quyền ký ban hành văn bản cấp lãnh đạo đơn vị
     
    - Bộ trưởng, Thứ trưởng giao Chánh Văn phòng, người đứng đầu đơn vị ký thừa lệnh (TL) một số loại văn bản theo quy định tại các quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, theo Quy chế làm việc và theo từng văn bản cụ thể.
     
    - Văn bản ký thừa lệnh (TL) Bộ trưởng phải được Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực phê duyệt về nội dung trước khi ký ban hành. Tất cả các văn bản ký thừa lệnh Bộ trưởng đều phải gửi báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).
     
    - Không được ký thừa lệnh (TL) Bộ trưởng các văn bản hành chính có nội dung mang tính quy phạm pháp luật, quyết định hành chính hoặc sự chỉ đạo bắt buộc thực hiện nếu không được ủy quyền bằng văn bản của Bộ trưởng.
     
    - Người được ký thừa lệnh được giao lại cho cấp phó của đơn vị ký thay. Văn bản ký thừa lệnh thay phải gửi báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị (thể hiện tại phần nơi nhận văn bản).
     
    - Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng được ký tất cả các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công, phân cấp quản lý và có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Không được dùng con dấu của Bộ GDĐT để giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị (trừ các trường hợp trên) và không được nhân danh Bộ trưởng khi sử dụng con dấu của đơn vị.
     
    Lưu ý khi ký văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo
     
    - Người ký ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản do mình ký ban hành.
     
    - Đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai.
     
    - Đối với văn bản điện tử, người có thẩm quyền thực hiện ký số theo quy định hiện hành.
     
    =>> Theo đó hiện nay phân cấp về thẩm quyền ký văn bản thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện theo quy định nêu trên.
     
    55 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận