Thi hành án là thủ tục thi hành bản án của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết của Tòa, việc này được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn.
Bên cạnh cơ quan thi hành án thì Thừa phát lại cũng là đối tượng được chỉ định được thực hiện tổ chức thi hành án theo bản án của Tòa, vậy Thừa phát lại có những quyền gì khi thực hiện thi hành án?
1. Thừa phát lại là ai?
Thừa phát lại là một chức danh ngành nghề thực hiện các công việc có liên quan đến thủ tục, giấy tờ trong lĩnh vực pháp luật căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có giải thích về thừa phát lại như sau:
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Trong đó:
- Tống đạt là thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Thừa phát lại làm những công việc gì?
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
- Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
3. Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại
Thừa phát lại cũng là một đối tượng thực hiện tổ chức thi hành án trong quyền hạn mà mình được phân công, cụ thể tại Điều 51 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa Phát lại như sau:
Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:
- Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
- Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
Ngoài ra, Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008.
4. Quyền của Thừa phát lại trong tổ chức thi hành án
Theo khoản 1 Điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thực hiện kịp thời, đúng nội dung quyết định thi hành án được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Mời đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;
- Kiến nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại;
- Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án.