NGÔ CƯỜNG (Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT – TANDTC) - Các quy định của pháp luật thường cô đọng, mang tính khái quát cao, nhưng lại được áp dụng cho những trường hợp cụ thể muôn hình muôn vẻ xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, cần thiết phải giải thích pháp luật nhằm đảm bảo pháp luật được hiểu và áp dụng một cách thống nhất.
1.Giải thích pháp luật là một nghĩa vụ của Thẩm phán
Nhìn chung, ở những quốc gia theo truyền thống thông luật hay truyền thống luật dân sự, việc giải thích pháp luật đều được trao cho Tòa án. Thông thường, các Thẩm phán giải thích pháp luật thông qua những vụ việc cụ thể được giải quyết tại Tòa án. Giải thích pháp luật là nghĩa vụ, là một phần công việc hàng ngày của Thẩm phán ở các quốc gia này.
Việt Nam là một quốc gia theo truyền thống pháp luật XHCN, Tòa án không được trao cho quyền giải thích pháp luật. Quyền này được trao UBTVQH (khoản 2 Điều 74 Hiến pháp). Tòa án nhân dân tối cao chỉ có quyền đề nghị UBTVQH giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 159 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2015). Như vậy, các Thẩm phán Việt Nam không có quyền giải thích pháp luật.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do ngôn từ của các quy định của pháp luật là quá chung chung, nên Thẩm phán không thể không giải thích pháp luật khi áp dụng vào các vụ việc cụ thể. Và với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về việc áp dụng án lệ tại Tòa án, thì Thẩm phán cần phải diễn giải pháp luật khi xét xử các vụ án. Như vậy, cũng như Thẩm phán của các quốc gia trên thế giới, Thẩm phán Việt Nam có nghĩa vụ phải giải thích pháp luật trong hoạt động xét xử của mình.
Cần phải nói thêm rằng, việc giải thích pháp luật của Thẩm phán (Tòa án) hoàn toàn khác về tính chất với giải thích pháp luật của UBTVQH. Nếu giải thích pháp luật của UBTVQH là có tính bắt buộc chung thì giải thích pháp luật của Thẩm phán (Tòa án) chỉ có hiệu lực đối với vụ án cụ thể mà Thẩm phán xét xử và chỉ được áp dụng cho những vụ án tương tự xảy ra trong tương lai nếu đó là án lệ.
2.Phạm vi giải thích pháp luật của Thẩm phán
Tocqueville đã nêu một trong ba đặc tính của quyền lực tư pháp là “phán quyết về những trường hợp riêng rẽ chứ không phát ngôn về các nguyên tắc chung”[i]. Và Peter J. Messitte, một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ nói: “… các Thẩm phán thường có vai trò giải thích luật… thường quyết định các vụ kiện trên cơ sở hẹp nhất có thể … chỉ có thể cần thiết vừa đủ để quyết định vụ án.”[ii].
Như vậy, Thẩm phán chỉ giải thích luật trong phạm vi vừa đủ để giải quyết vụ án. Nếu giải thích Luật vượt ra phạm vi vụ án hay nói cách khác là vượt ra khỏi “những trường hợp riêng rẽ”, thì giải thích đó là không có giá trị.
3.Thẩm phán giải thích pháp luật như thế nào?
Thông thường, có hai cách giải thích pháp luật. Cách thứ nhất là giải thích theo ngôn từ của điều luật phù hợp với nghĩa từ điển của ngôn từ được sử dụng để cấu tạo nên điều luật ấy. Cách thứ hai là giải thích theo mục đích của Bộ luật (hay là theo ý định của nhà làm luật) hoặc theo nguyên tắc chung của pháp luật. Hai cách giải thích này sẽ dẫn đến kết quả giải quyết vụ án khác nhau.
Xin nêu một ví dụ cụ thể dưới đây:
Ngày 13/8/1880, Palmer, một người đàn ông góa vợ đã viết di chúc mà trong đó ông dành một phần nhỏ tài sản của mình cho hai cô con gái, và phần còn lại dành cho cháu trai của ông là Elmer. Nếu Elmer chết trước hoặc chết mà không có con có thể thừa kế bất động sản này, thì toàn bộ tài sản đó sẽ thuộc về hai người con gái của ông.
Nhưng hai năm sau khi lập di chúc, tháng 3/1884 ông Palmer cưới bà Bresse. Họ đã lập một hợp đồng rằng nếu bà Bresse sống lâu hơn ông Palmer thì bà sẽ được cấp dưỡng từ thu nhập của trang trại của ông Palmer. Elmer nghĩ rằng ông nội mình có thể sẽ thay đổi di chúc có lợi cho người vợ mới và sẽ gạt anh ta ra khỏi di chúc, do đó, Elmer đã giết ông của mình để thừa kế di sản.
Tòa phúc thẩm New York xét xử vụ án vào năm 1889. Không một điều khoản nào trong đạo luật quy định phải phế truất quyền của kẻ giết người thừa kế từ người mà kẻ đó đã giết. Vấn đề đặt ra là Elmer có được thừa kế theo di chúc của ông anh ta hay không?
Đa số ý kiến (hai trong số ba Thẩm phán) cho rằng không thể giải thích theo cách giải thích các từ ngữ mà phải giải thích theo ý định (dự tính) của nhà làm luật trong việc soạn thảo đạo luật đó. Theo tính hợp lý hoặc theo sự công bằng thì không bao giờ các nhà làm luật lại chấp nhận một người được hưởng di sản thừa kế theo cách giết người để lại di chúc. Sở dĩ họ không quy định đây là một trong những trường hợp bị phế truất quyền thừa kế là vì họ không thể lường được lại có trường hợp như vậy xảy ra trong thực tế. Do đó, cần vượt qua rào cản bởi ngôn ngữ chung được sử dụng trong các đạo luật. Thay vào đó, các Thẩm phán phải giải thích pháp luật dựa trên các phương ngôn nền tảng của luật thông pháp như “Không ai được phép giành lợi thế từ lỗi của chính người đó”. Các phương ngôn đó “được rút ra bởi chính sách công, có nền tảng trong luật pháp chung được thực hiện trong tất cả mọi quốc gia và không ở đâu bị bỏ qua bởi luật thành văn”. Elmer không được phép thừa kế di sản.
Ý kiến của Thẩm phán còn lại cho rằng, luật đã quy định một cách rõ ràng là “không một di chúc bằng văn bản nào, hoặc bất kỳ phần nào của di chúc, trừ các trường hợp được đề cập dưới đây, bị hủy bỏ hoặc thay đổi khác”. Trường hợp của Elmer không được nêu trong các trường hợp của luật. Do đó, các Thẩm phán cần phải tuân thủ quy định này của luật. Nếu các Thẩm phán “lấp đầy” cho các đạo luật có khiếm khuyết với sự sáng tạo tư pháp có thể giải quyết vấn đề ngay lập tức, và thậm chí có thể mang lại công lý, nhưng điều này là đi vượt quá điều mà Thẩm phán nên làm (tức là Thẩm phán đã làm luật chứ không phải là giải thích luật).[iii]
Như vậy, chúng ta thấy rằng một khi Thẩm phán quyết định giải thích pháp luật theo cách nào thì kết quả giải quyết vụ án sẽ theo cách đó.
4.Kết luận
Ở Việt Nam, chúng ta chưa có quan điểm thống nhất về việc Thẩm phán phải giải thích pháp luật cũng như về cách thức giải thích pháp luật của Thẩm phán trong xét xử các vụ án cụ thể. Điều này sẽ khó có thể hình thành nên những án lệ với đúng nghĩa của nó. Do đó, tôi nghĩ rằng TANDTC nên sớm có những hướng dẫn và bồi dưỡng trong ngành về vấn đề này.
[i] Tocqueville: Nền dân trị Mỹ tập 1, tr232, Nxb Tri thức, 2007
[ii] Phương thức hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ, tr46, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2007.
[iii] Phần này được tóm tắt theo tài liệu của Giáo sư Marc Loth (nguyên là Thẩm phán TATC Hà Lan) tại « Hội thảo về áp dụng án lệ », Hà Nội tháng 12.2014.
Nguồn: Tạp chí Tòa án Nhân dân tối cao