Câu thành ngữ “Tha hương cầu thực” được hiểu như thế nào? Người xuất khẩu lao động hiện nay được hưởng những chính sách hỗ trợ nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Tha hương cầu thực là gì?
Trước tiên, câu thành ngữ tha hương cầu thực còn có một biến thể khác là tha phương cầu thực. Về mặt Hán Việt, “tha” được hiểu là khác, lạ; “hương” là quê hương; “cầu” có nghĩa là xin, tìm kiếm, còn “thực” là ăn. Theo đó, “cầu thực” có thể được hiểu là xin ăn, kiếm sống, kiếm ăn.
Từ phần giải thích về mặt ngữ nghĩa như đã nêu trên, thì có thể hiểu nôm na ý nghĩa của câu “tha hương cầu thực” là tìm nơi khác để kiếm sống, phản ánh hình ảnh con người lựa chọn rời bỏ quê hương đến nơi xa xôi khác để tìm kế sinh nhai.
Cạnh đó, ngoài việc diễn đạt ý nghĩa con người đi đến một nơi xa lạ để làm ăn, sinh sống. Câu thành ngữ trên cũng thể hiện sự bấp bênh, nay đây mai đó để kiếm sống của một con người.
(2) Người xuất khẩu lao động được hỗ trợ thế nào?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 61/2015/NĐ-CP có quy định về các chính sách việc làm công, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên như sau:
Trường hợp là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:
- Đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, bao gồm:
+ Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
+ Tiền ăn trong thời gian thực tế học.
+ Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15km trở lên hoặc từ 10km trở lên đối với người cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.
- Chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
- Giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Nghị định 61/2015/NĐ-CP có quy định về hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
- Thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định.
- Thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Mục 3 Chương V Nghị định 61/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, tại Điều 4 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 cũng quy định về các chính sách hỗ trợ, bảo vệ người lao động xuất khẩu lao động như sau:
- Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định.
- Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
- Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước.
Từ dẫn chiếu những chính sách hỗ trợ nêu trên, có thể thấy, Nhà nước luôn luôn cố gắng hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người lao động “tha hương cầu thực” nhằm giúp người lao động có thể cải thiện và nâng cao đời sống của mình.