Thuật ngữ “tất toán” có nghĩa là gì? Hiện nay có bao nhiêu loại tất toán? Ngân hàng có được phép từ chối cho khách hàng tất toán khoản vay? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Tất toán là gì?
Hiện trong hệ thống văn bản pháp luật không có quy định thế nào là tất toán, đây là một thuật một thuật ngữ được khối ngân hàng sử dụng để chỉ thao tác chấm dứt sự giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng vào giai đoạn kết thúc hợp đồng của hai bên. Theo đó, Khi khách hàng thực hiện việc hoàn trả, thanh toán đầy đủ các công nợ trong hợp đồng của cả khách hàng và ngân hàng thì được gọi là tất toán.
Tóm lại, để dễ hiểu, khi toàn bộ các khoản tiền có ghi trong hợp đồng hoặc khoản vay đã được thanh toán xong để kết thúc hợp đồng thì được gọi là tất toán.
(2) Hiện nay có bao nhiêu loại tất toán?
Hiện nay, có những hình thức tất toán phổ biến bao gồm:
- Tất toán khoản vay: Là thời điểm khách hàng thanh toán toàn bộ khoản vay cho ngân hàng. Khách hàng có thể thực hiện thủ tục này trước thời gian mà không phải chờ đến đúng ngày được ký trên hợp đồng.
- Tất toán khoản vay trước hạn: Khi người vay không có nhu cầu sử dụng khoản vay, có đủ khả năng trả nợ, họ sẽ tiến hành tất toán khoản vay trước hạn, trước thời gian quy định. Thông thường, khi tất toán trước thời hạn sẽ có một vài khoản chi phí phát sinh mà khách hàng cần thực hiện. Mức phí này sẽ khác nhau tùy theo thời gian thực hiện tất toán và tùy theo quy định của từng ngân hàng.
- Tất toán tài khoản tiết kiệm: Là hoạt động mà ngân hàng thanh toán tiền lãi và gốc cho tài khoản tiết kiệm theo mong muốn của khách hàng.
(3) Ngân hàng có được phép từ chối cho khách hàng tất toán khoản vay?
Trước tiên, cần làm rõ, theo Khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024) có quy định như sau:
“4. Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.”
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, việc ngân hàng cho khách hàng vay là hình thức cấp tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong thời gian nhất định theo thỏa thuận kèm theo nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi.
Đồng thời, pháp luật hiện hành quy định thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung như:
- Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay, tên, địa chỉ, số CMND/CCCD/hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng.
- Số tiền cho vay.
- Thời hạn cho vay.
- Trả nợ trước hạn.
- Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
- Quyền và trách nhiệm của các bên.
- …
Theo đó, nếu ngân hàng từ chối cho khách hàng tất toán khoản vay thì người khách hàng trong trường hợp này cần xem lại nội dung các điều khoản trong văn bản thỏa thuận cho vay (hợp đồng) mà mình và ngân hàng đã ký kết có điều khoản về trả trước hạn hay không.
Để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp này, khách hàng vay có thể liên hệ đến hội sở chính của ngân hàng để được giải quyết, hoặc phản ánh đến chi nhánh NHNN tại tỉnh, thành phố nơi thực hiện vay vốn. Ngoài ra, cũng có thể khởi kiện ngân hàng và yêu cầu tòa án hoặc trọng tài thương mại trong trường hợp xảy ra tranh chấp.