Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hậu quả của tảo hôn:
- Làm tăng nhanh dân số và giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, giáo dục phát triển trẻ em.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái.
Kết hôn khi còn sớm, khi mang thai và sinh con sẽ dễ gặp các về sức khỏe do cơ thể chưa phát triển dẫn đến con sinh ra mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, con bị đao, bị dị tật, suy dinh dưỡng, thường xuyên mắc bệnh và sức khỏe của người mẹ cũng không được đảm bảo, có thể sinh non, sảy thai hoặc thậm chí là tử vong.
- Tăng nguy cơ đói nghèo, lạc hậu, con cái không được nuôi dạy đầy đủ không thể phát triển được về thể chết và trí tuệ.
Kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi, lúc này kiến thức sinh sản không có nên việc chăm sóc để con phát triển tốt là không đảm bảo.
Xử lý trường hợp tảo hôn:
- Xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP
+ Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn Điều 183 Bộ luật hình sự 2015.
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.