Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã gửi Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH đề nghị các trường đại học, cao đẳng sư phạm thực hiện nhiệm vụ năm học năm 2024 - 2025.
(1) Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học năm 2024-2025
Theo đó, tại Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH, Bộ GD&ĐT đề nghị các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm (sau đây gọi là cơ sở đào tạo) thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm học 2024 - 2025 với 02 nhóm nhiệm vụ bao gồm: nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể.
Tại phần nhiệm vụ chung, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Kết luận 91-KL/TW về đổi mới giáo dục và đào tạo. Mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục đại học, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó là thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá bao gồm:
- Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị đại học, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
- Đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.
Như vậy, một trong các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá mà Bộ GD&ĐT đã giao cho các cơ sở đào tạo thực hiện trong năm học 2024 - 2025 là tăng cường ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
Việc này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo hơn cho sinh viên.
Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ trong việc phân tích nhu cầu học tập của sinh viên, cá nhân hóa chương trình học, giúp giảng viên theo dõi tiến độ và kết quả học tập một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, từ đó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong giáo dục tại bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
(2) 08 nhiệm vụ cụ thể trong năm học 2024 - 2025
Đối với phần nhiệm vụ cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện 08 nhiệm vụ bao gồm:
- Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tăng cường đào tạo, thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt cho các ngành STEM và những ngành trọng điểm khác; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cốt lõi cho giảng viên
- Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông.
- Đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học trong bối cảnh mới.
- Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chú trọng chất lượng và tác động xã hội.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng tại cơ sở đào tạo, thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả và tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai nhiệm vụ theo các chương trình hành động của Chính phủ và các chiến lược, đề án, quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chủ động và phối hợp làm tốt công tác truyền thông, định hướng chính sách, gia tăng niềm tin của xã hội về phát triển giáo dục đại học và nâng cao vai trò của giáo dục đại học đối với phát triển đất nước, vùng và địa phương.
Xem chi tiết tại Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH ngày 23/8/2024.