Đối với các tài xế lái xe công nghệ mặc dù có kí kết hợp đồng với công ty tuy nhiên đây không phải hợp đồng lao động. Vì nó không đảm bảo các nội dung theo Điều 15 Bộ luật lao động 2012, cụ thể là bên công ty sẽ không trả lương cho các tài xế thay vào đó công ty sẽ cung ứng ứng dụng và giới thiệu khách hàng cho các tài xế, các tài xế sẽ trả phí cho công ty theo từng lần giới thiệu. Hợp đồng này được được xem là hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Theo đó, các tài xế lái xe công nghệ sẽ được xếp vào đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động.
Căn cứ theo Nghị quyết 42/NQ-CP 2020 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì các đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng nếu đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, cụ thể:
- Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg (Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị theo Điểm b Khỏan 1 Điều 1 Quyết định này), trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020;
- Cư trú hợp pháp tại địa phương (có đăng ký tạm trú, thường trú tại địa phương)
- Làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Theo đó, các tài xế công nghệ sẽ được hưởng trợ cấp nếu lái xe mô tô 2 bánh chở khách, vận chuyển hàng hóa; có cư trú hợp pháp tại địa phương, mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo. Về thủ tục để được hưởng khoản hỗ trợ này các bạn tham khảo Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.