Việc xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng trong thời ký hôn nhân hiện nay có nhiều quan điểm khác biệt nhau dẫn tới nhiều tranh chấp về tài sản của vợ chồng trong quá trình giải quyết ly hôn.
Đối với tranh chấp của đương sự trong vụ án ly hôn ở trên, có thể xác định được tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng theo trình tự như sau:
Nguyên đơn và bị đơn kết hôn năm 1984, lúc này Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đang có hiệu lực, vì vậy, áp dụng luật năm 1959 để điều chỉnh quan hệ hôn nhân của các đương sự, đối chiếu quy định của pháp luật tại thời điểm này xác định quan hệ hôn nhân giữa hai người là hoàn toàn hợp pháp. Cũng theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, không tồn tại chế định tài sản riêng của vợ, chồng mà chỉ có một chế độ tài sản duy nhất áp dụng cho vợ chồng là chế định tài sản chung, thông qua quy định tài Điều 15 như sau:
"Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới".
Như vậy, tài sản tạo lập trước khi kết hôn của mỗi bên đều được xác định là tài chung của vợ chồng sau khi hai bên xác lập quan hệ hôn nhân, theo đó, tài sản mà đương sự tạo lập trong thời kỳ mà Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực đều là tài sản chung của vợ chồng, chế định tài sản riêng sẽ không được đặt ra. Tuy nhiên, tài sản các bên tranh chấp không được tạo lập tại thời điểm luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực
Tài sản mà các bên tranh chấp là quyền sử dụng đất được tạo lập năm 1987, thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực (01/01/1987) cần phải xác định rằng, tài sản được tạo lập thời điểm nào thì áp dụng luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để điều chỉnh. Đương sự kết hôn vào năm 1984 - thời điểm luật năm 1959 đang có hiệu lực, còn tài sản được tạo lập năm 1987, lúc này Luật năm 1959 đã hết hiệu lực, không phải cứ áp dụng một cách bất di bất dịch luật có hiệu lực tại thời điểm kết hôn để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng mà có những trường hợp luật có hiệu lực tại thời điểm tạo lập tài sản và luật tại thời điểm kết hôn là khác nhau, đối chiếu với nội dung bản án, có thể xác định, tại thời điểm các đương sự xác lập tài sản luật đang có hiệu lực là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, và luật này sẽ được áp dụng để điều chỉnh đối với tài sản các bên đang tranh chấp, cụ thể áp dụng để xác định tài sản chung, tài sản riêng.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, có tồn tại chế định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng, theo đó tài sản mà đương sự đang tranh chấp được xác định hoặc tài sản chung hoặc tài sản riêng. Xem xét giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đứng tên cả hai vợ chồng, nghĩa là về mặt ý chí, cả hai thừa nhận quyền sở hữu của nhau đối với tài sản này. Do vậy, có căn cứ để xác định đây là tài sản chung của hai vợ chồng.
Việc nguyên đơn cho rằng đây là tài sản riêng của bị đơn là không phù hợp, bởi lẽ tại thời điểm tạo lập tài sản về mặt ý chí các bên đều thừa nhận quyền sở hữu của mình và của đối phương đối với tài sản thông qua việc giấy chứng nhận đứng tên cả hai vợ chồng. Cần hiểu rằng, nếu không có căn cứ thì cơ quan nhà nước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể tùy tiện khi để cả hai vợ chồng cùng đứng tên nếu đương sự không yêu cầu. Do vậy, tài sản đang tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng nguyên đơn và bị đơn chứ không phải là tài sản riêng của bị đơn.
Vấn đề áp dụng pháp luật nào để điều chỉnh quan hệ đang tranh chấp hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau và việc áp dụng cũng chưa đồng nhất, nhưng về nguyên tắc, quan hệ xác lập tại thời điểm nào thì áp dụng luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để điều chỉnh quan hệ, không thể áp dụng luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong trường hợp này, bởi lẽ tại thời điểm tạo lập tài sản, đương sự đâu thể biết được vào năm 2014 sẽ có Luật để điều chỉnh quan hệ tài sản của họ, mà phải áp dụng luật tại thời điểm tạo lập tài sản, điều này phù hợp với ý chí của đương sự, giả sử nếu Luật năm 2014 có những quy định trái với ý chí của đương sự và trái với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập tài sản thì việc áp dụng luật năm 2014 có còn phù hợp hay không? Quyền lợi của đương sự có bị ảnh hưởng hay không? Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ được áp dụng để xác định cách chia như thế nào đối với tài sản chứ không có ý nghĩa xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, kể cả các quy định của cả hai luật đều giống nhau thì việc áp dụng pháp luật phải đúng với bản chất tranh chấp.