Quảng cáo với nội dung “tốt nhất”, “duy nhất”,... vẫn được pháp luật cho phép nếu như có đủ giấy tờ chứng minh cho việc quảng cáo đó là đúng sự thật. Vậy giấy tờ chứng minh đó có giá trị trong bao lâu?
1. Tài liệu hợp pháp chứng minh từ “tốt nhất” trên sản phẩm quảng cáo có giá trị sử dụng bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL có quy định về tài liệu hợp pháp để chứng minh việc quảng cáo có sự dụng các từ như “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.Theo đó:
- Tài liệu hợp pháp bao gồm:
+ Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường;
+ Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
- Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường.
- Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp.
Như vậy, theo quy định thì thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “tốt nhất” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là một năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường.
Ngoài ra cũng yêu cầu trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp để chứng minh cho việc sử dụng từ đó.
2. Quảng cáo có sử dụng từ ngữ “tốt nhất” mà không có tài liệu chứng minh theo quy định thì bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ tại điểm a khoản 2, khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, có quy định:
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định;
b) Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khoản 1 và khoản 3 Điều 43, khoản 3 Điều 48 Nghị định này;
c) Quảng cáo có tính chất xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật;
d) Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;
..."
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi.
Như vậy, đối với hành vi quảng cáo có sử dụng từ “tốt nhất” mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức;
Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo.
Như vậy, thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Trường hợp quảng cáo có chứa những từ này nhưng không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.