Tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến chống biến đổi khí hậu?

Chủ đề   RSS   
  • #609836 22/03/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến chống biến đổi khí hậu?

    Các cam kết về môi trường trong EVFTA phù hợp với những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

    Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 với 16 Chương, 171 Điều (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), với nhiều sửa đổi tiến bộ, cập nhật được xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế về môi trường trên thế giới và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lần đầu tiên trong các phiên bản của Luật BVMT, nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt xem bảo vệ môi trường là “điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết” cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và yêu cầu hoạt động BVMT “phải gắn kết với phát triển kinh tế”, “được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển”. Điều này tương thích với định hướng trong EVFTA về một nền kinh tế ít phát thải, cũng như xem mục tiêu BVMT song hành với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng xây dựng một chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu (Chương VII). Trong đó, Điều 91 nêu rõ nghĩa vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng như yêu cầu thực hiện biện pháp kiểm soát việc sản xuất, tiêu thụ và mua bán những chất làm suy giảm hoặc biến đổi tầng ô-zôn tại Điều 92, tương thích với khoản 2 Điều 13.6 EVFTA. Đặc biệt, để thực hiện yêu cầu thúc đẩy thị trường các-bon với cơ chế định giá hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế theo yêu cầu tại Điều 13.6 EVFTA, Luật BVMT đã bổ sung quy định về vấn đề này tại Điều 139. Ngoài việc quy định các biện pháp mang tính chất hành chính để kiểm soát lượng khí các-bon phát thải như xác định hạn ngạch lượng phát thải trong chiến lược quốc gia, theo dõi kết quả kiểm kê và xây dựng lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế, khoản 4 điều này cũng quy định cách thức tham gia thị trường các-bon như trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; Thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực63 hiện các nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung này được quy định cụ thể tại các Khoản 3,4 Điều 90 của Luật này. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở phát thải khí nhà kính trong việc thực hiện các nội dung về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong đó, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.

    Khoản 1 Điều 94 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu gồm 10 nhóm thông tin và dữ liệu, đó là: Văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và quy trình chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn; Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội; Phát thải khí nhà kính và hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan đến phát thải khí nhà kính; Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ tầng ô-zôn và quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; Kết quả đánh giá khí hậu quốc gia; Kịch bản biến đổi khí hậu các thời kỳ; Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn; Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn; Các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn. Ngoài ra, Luật BVMT cũng quy định trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (trong đó có cả vấn đề chống BĐKH).

    Mặc dù vậy, đối với lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, Việt Nam hiện vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ để thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Thực ra, đây là một vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, cho dù pháp luật môi trường Việt cũng đã có những sự công nhận nhất định về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại Chương VII và Chương XI vẫn chỉ mới dừng lại ở việc hình thành nên các quy định mang tính nguyên tắc chung cho việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn hay xây dựng thị trường cac-bon trong nước. Hầu hết các văn bản của chính phủ chỉ mang tính định hướng hoạch định chính sách, chưa thật sự cụ thể để triển khai áp dụng trên thực tế các quy định đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

    (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng về tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến chống biến đổi khí hậu – một vấn đề mà có lẽ ít người quan tâm hiện nay, nhưng sẽ có ý nghĩa to lớn đến vấn đề thương mại tự do trong tương lai khi mà các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới đang ngày càng phổ biến và đóng vai trò cực kỳ quan trọng).

     
    113 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận