Theo quy định tại khoản 4, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng”.
Quá trình áp dụng gặp nhiều khó khăn do quy định chưa chặt chẽ, do vậy Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bãi bỏ quy định này. Việc bãi bỏ phù hợp, bởi lẽ quy định như trên là chưa thật sự rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng. Việc sử dụng cụm từ “cũng được” trong quy phạm pháp luật nêu trên đặt ra vấn đề, việc đưa tài sản vào sử dụng chung trong gia đình là quyền hay nghĩa vụ của người có tài sản riêng?
Nếu là nghĩa vụ thì họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý gì từ việc không tuân thủ quy định của pháp luật? Và một bên vợ hoặc chồng có thể sử dụng biện pháp gì để yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ luật định? Còn nếu đây được xem là quyền của bên có tài sản riêng thì thật sự quy định này không có tính khả thi và ý nghĩa của điều luật là không có.
Ngoài ra, một vấn đề khác được đặt ra ở đây là trường hợp cả vợ và chồng đều có tài sản riêng thì tỷ lệ đóng góp là bao nhiêu, căn cứ vào yếu tố nào để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phân định? Hơn nữa việc bãi bỏ quy định trên cũng xuất phát từ thực tế tình trạng tài sản riêng của vợ, chồng thường chỉ phát sinh ở các cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế, khối tài sản chung đều có thể đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Như vây, theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành, việc sử dụng tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng sẽ không còn là quy định mang tính mập mờ như luật cũ, các bên trong qun hệ hôn nhân cần chủ động tìm hiểu và nắm vững để bảo vệ được quyền lợi của mình.
Đây là điểm mới được nhìn nhận tích cực, góp phần điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên trong quan hệ pháp luật này.