Mới đây, NSƯT Thanh Loan – “Ni cô Huyền Trang” trong phim Biệt động Sài Gòn đã lên tiếng bức xúc khi một doanh nghiệp đã tự ý lấy hình ảnh của bà để quảng cáo thuốc trị hói.Nữ nghệ sĩ bức xúc chia sẻ, doanh nghiệp này đã tự ý lấy hình ảnh của bà kèm theo những bài quảng cáo thuốc trị hói đăng tải trên một số trang báo khiến nhiều người tin rằng bà chính là người đã sử dụng sản phẩm đó. Việc làm trên ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như uy tín của nữ nghệ sĩ.
Hình ảnh Ni cô Huyền Trang được sử dụng trái phép để quảng cáo thuốc. Nguồn: Internet
Câu hỏi đặt ra, việc sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng cáo, kinh doanh mà không xin phép của công ty sản xuất thuốc trên sẽ bị xử lý thế nào?
1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật (trừ một số trường hợp nhất định).
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
|
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu như sử dụng hình ảnh cá nhân trong các trường hợp ngoại lệ sau đây thì không bị xem là vi phạm pháp luật. Đây là các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
|
2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không xin phép.
Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng.
Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
.............
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
3. Các biện pháp dân sự để xử lý trường hợp quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm.
Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, bản thân các cá nhân bị xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân cũng có thể chủ động áp dụng các biện pháp dân sự để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Vấn đề xử lý các hành vi vi phạm theo pháp luật dân sự được quy định tại Khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015:
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, trong trường hợp phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, cá nhân đó có quyền:
- Yêu cầu người/tổ chức có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của mình chấm dứt hành vi vi phạm.
- Khởi kiện người có hành vi vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại về vật chất/tinh thần nếu có.
- Yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu cá nhân/tổ chức có hành vi xâm phạm trả thù lao cho việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh nhằm mục đích thương mại.