Hiện nay ứng dụng Grab giúp cho việc di chuyển, đi lại ở TPHCM diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều so với hình thức xe ôm truyền thống. Tuy nhiên bên cạnh việc tạo ra sự cạnh tranh quá gay gắt với xe ôm truyền thống thì Grab còn tạo nên một vấn đề khác đó là an toàn khi tham gia giao thông.
"Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau một thời gian hoạt động, ứng dụng đặt xe mô tô, xe máy (xe ôm công nghệ) đang thu hút đông đảo người dân sử dụng cũng như các lái xe đăng kí tham gia đặc biệt là Grab Bike của công ty Trách nhiệm Hữu hạn Grab.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lái xe Grab Bike vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động để liên hệ với khách, tìm địa chỉ… diễn ra rất phổ biến.
"Đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, uy hiếp an toàn của người và phương tiện lưu thông trên đường", Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định.
Để khắc phục và chấn chỉnh tình trạng trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Ban ATGT thành phố Hà Nội, TP HCM chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện thoại di động khi điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đặc biệt là đối với các lái xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với khách hàng.
"Đề nghị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Grab tăng cường tuyên truyền trật tự an toàn giao thông cho các đối tác là lái xe tham gia cung ứng dịch vụ vận tải của công ty, đặc biệt yêu cầu các lái xe mô tô, xe gắn máy tham gia ứng dụng Grab Bike của công ty tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động khi lái xe, xem xét chấm dứt hợp đồng với những lái xe cố tình vi phạm". Luật Giao thông đường bộ đã quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe và gây tai nạn giao thông thì trách nhiệm gây chết người có được gọi là một trong những trách nhiệm hình sự mà người đó phải gánh chịu. Cụ thể Điều 202 Bộ Luật hình sự có quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, như sau:
“1,Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a, Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b, Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c, Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d, Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ, Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm."
Vậy thì việc sử dụng điện thoại dẫn đến gây tai nạn giao thông có thuộc trường hợp xử lí hình sự này hay không?