Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông thì bị phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #617062 02/10/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông thì bị phạt như thế nào?

    Giao thông tại nước ta luôn tiềm ẩn nhiều tai nạn đối với những người tham gia. Một trong những vấn đề nan giải nhất là việc sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông. Vậy khi người tham gia giao thông, sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn thì bị phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.

    1. Đèn pha là gì?

    Hệ thống đèn chiếu sáng của xe máy và ô tô đều được thiết kế với hai chế độ là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos, hay còn gọi là cốt (đèn chiếu gần).

    Đèn pha là chế độ đèn chiếu xa với cường độ ánh sáng mạnh và tầm chiếu cao hơn, vì thế giúp người điều khiển xe có thể nhìn thấy các chướng ngại vật, biển báo… từ xa. Điểm hạn chế của loại đèn này nằm ở chỗ có thể cản trở tầm nhìn hoặc gây loá mắt cho những người đi ngược chiều ở phía trước nếu được sử dụng thiếu hợp lý. 

    Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật có quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới bao gồm:

    - Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

    - Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

    - Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;

    - Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

    - Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

    - Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

    - Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;

    - Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

    - Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

    - Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

    Như vậy, có đầy đủ đèn pha và hoạt động tốt khi tham gia giao thông là quy định của pháp luật. Do đó, nếu những cá nhân tham gia giao thông không đảm bảo đèn pha và sử dụng đèn pha không đúng quy định thì sẽ bị xử phạt. 

    2. Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào? 

    Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi:

    + Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

    + Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều.

    Ngoài số tiền phạt trên, căn cứ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu hành vi sử dụng đèn pha gây hậu quả nghiệm trọng, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: 

    - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Làm chết người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    + Không có giấy phép lái xe theo quy định;

    + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

    + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

    + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

    + Làm chết 02 người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Làm chết 03 người trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

    - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Cần biết, tai nạn giao thông vì sử dụng đèn pha ô tô là lỗi không hiếm gặp, tuy nhiên nguy cơ tổn thương cơ thể, thậm chí cả tính mạng khi tham gia giao thông là rất lớn. Do đó, khi tham gia giao thông, đèn pha cần được sử dụng một cách chính xác và có trách nhiệm.

     
    65 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận