Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Sau 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã giúp công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng cho thấy nhiều điểm bất cập trong các quy định.
Kết quả 10 năm thực hiện của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho thấy, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và ngoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Một trong những điểm bất cập trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 là nhóm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập.
Thứ hai, trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến nhiều vướng mắc khi thực hiện trên thực tế.
Thứ ba, chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Xuất phát từ những điểm bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, nhằm thực hiện các chủ trương, nghị quyết mới của Đảng về vấn đề Phòng, chống tham nhũng, đồng bộ các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng với các đạo luật quan trọng, nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những thay đổi đáng kể, trong đó có các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.