Hiện nay, nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ luôn rình rập và xảy ra với tần suất ngày càng nhiều. Thiệt hại mà nó để lại là rất lớn về người và tài sản của người dân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. Nếu không thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tốt mà dẫn đến cháy nổ thì thiệt hại xảy ra là rất khôn lường.
Trong tình thế này doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ là một sự cứu giúp kịp thời để giảm trừ các thiệt hại xảy ra, giúp cơ sở kinh doanh có thể đối phó với các chi phí thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những công tác PCCC mà doanh nghiệp phải thực hiện, vậy bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cháy nổ quy định ra sao và tầm quan trọng của nó như thế nào?
Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là gì?
Trong các văn bản hiện hành về bảo hiểm vẫn chưa có quy định giải thích bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là gì. Chúng ta có thể ngầm hiểu rằng loại bảo hiểm này sẽ chi trả bồi thường cho người tham gia khi xảy ra thiệt hại về tài sản do cháy nổ.
Thông thường doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là các công ty, xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoặc chung cư mà có nguy cơ cháy nổ. Theo đó, căn cứ Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định đối tượng của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:
- Nhà cửa, công trình kiến trúc và các các tài sản khác gắn liền với nhà.
- Máy móc, thiết bị.
- Hàng hoá, vật tư và các tài sản khác.
Ngoài các đối tượng nêu trên mà bảo hiểm bắt buộc sẽ chi trả thì bảo hiểm còn chi trả chi phí chữa cháy, chi phí dọn dẹp hiện trường, chi phí bảo vệ tạm thời, chi phí giám định thiệt hại.
Đối với từng cơ sở kinh doanh sẽ có những đối tượng được bảo hiểm khác nhau. Vì vậy, bên bảo hiểm và bên được bảo hiểm cần thỏa thuận ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm đối tượng cũng như phạm vi bảo hiểm.
Bồi thường bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Trước khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và bên bảo hiểm có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây để xác định được hình thức bồi thường, nhằm tránh các tranh chấp khi xảy ra liên quan đến việc bồi thường.
- Sửa chữa tài sản bị thiệt hại.
- Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác có giá trị tương đương.
- Trả tiền bồi thường.
Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thoả thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.
Phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc
Hiện nay, mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được căn cứ đóng theo quy định Điều 7 Nghị định 23/2018/NĐ-CP bao gồm mức phí bảo hiểm quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP được áp dụng đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, cụ thể như sau:
(1) Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II.
Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
(2) Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên (trừ cơ sở hạt nhân): Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
(3) Đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
*Cách tính phí bảo hiểm các cơ sở trên:
Mục (1)
Mức phí = tiền bảo hiểm tối thiểu (X) phần trăm phí bảo hiểm
|
Mục (2)
Mức phí = 1000 tỷ (X) phần trăm phí bảo hiểm
|
Mục (3) mức phí sẽ do các bên tự thỏa thuận.
Khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc các cơ sở kinh doanh của cá nhân, tổ chức sẽ được đảm bảo chi trả phần nào đó thiệt hại khi những mong muốn không đáng cho xảy ra. Nhất là trong tình hình cháy nổ hiện nay hết sức nóng, nổi bật là các cơ sở không đảm bảo quy định về an toàn PCCC và có nguy cơ dẫn đến cháy nổ cao như karaoke, vũ trường nơi sử dụng điện năng lớn. Vì thế bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gần như là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp có nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.