Sởi có lây không và lây qua đường nào? Cách phòng tránh bệnh sởi?

Chủ đề   RSS   
  • #615549 23/08/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 21604
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 442 lần


    Sởi có lây không và lây qua đường nào? Cách phòng tránh bệnh sởi?

    Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, tuy nhiên người lớn vẫn có thể bị mắc bệnh sởi. Vậy sởi có lây không? Sởi lây qua đường nào? Cách phòng tránh bệnh sởi ra sao?

    Sởi có lây không và lây qua đường nào? 

    Theo Chương I Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi được ban hành kèm theo Quyết định 1327/QĐ-BYT năm 2014:

    - Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

    - Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.

    Như vậy, bệnh sởi có lây và virus sởi lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm virus. Người chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm. Bệnh có thể lây từ 4 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 4 ngày sau khi phát ban xuất hiện.

    Bệnh sởi có biến chứng không?

    Theo Mục 5 Chương II Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi được ban hành kèm theo Quyết định 1327/QĐ-BYT năm 2014 thì bệnh sởi có các biến chứng sau đây:

    Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do vi rút sởi, do bội nhiễm sau sởi thường xảy ra ở: trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.

    - Do vi rút sởi: viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm não, màng não cấp tính.

    - Do bội nhiễm: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột...

    - Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: viêm loét hoại tử hàm mặt (cam tẩu mã), viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng...

    Các biến chứng khác:

    - Lao tiến triển.

    - Tiêu chảy.

    - Phụ nữ mang thai: bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

    Như vậy, bệnh sởi cũng có các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm loét hoại tử hàm mặt, viêm giác mạc gây mù loà, sảy thai, thai chết lưu,... và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Đặc biệt, hầu hết trẻ bị sởi tử vong do biến chứng.

    Cách phòng tránh bệnh sởi?

    Theo Chương V Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi được ban hành kèm theo Quyết định 1327/QĐ-BYT năm 2014 quy định có các cách phòng bệnh sởi như sau:

    (1) Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin.

    Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi)

    Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

    (2) Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân

    Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

    + Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.

    + Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh.

    + Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

    Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

    (3) Phòng lây nhiễm trong bệnh viện

    Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi.

    Sử dụng Immune Globulin (IG) tiêm bắp sớm trong vòng 3 - 6 ngày kể từ khi phơi nhiễm với sởi cho các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện vì những lý do khác. Không dùng cho trẻ đã được điều trị IVIG trong vòng 1 tháng hoặc đã tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi.

    Dạng bào chế: Immune Globulin (IG) 16%, ống 2ml. Liều dùng 0,25 ml/kg, tiêm bắp, 1 vị trí tiêm không quá 3ml. Với trẻ suy giảm miễn dịch có thể tăng liều gấp đôi.

    (4) Báo cáo dịch: theo quy định hiện hành.

    Như vậy, sẽ có các cách phòng tránh bệnh sởi là tiêm vacxin, cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân, phòng lây nhiễm trong bệnh viện và phải báo cáo dịch.

    Xem thêm: Những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi gồm những gì? Nguyên tắc điều trị bệnh sởi?

     
    86 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận