Hiện nay, ở một số thông tin tuyển dụng thường hay yêu cầu các ứng viên cần có bằng anh văn như TOEIC, IELTS,..hay bằng tin học MOS,....Tuy nhiên, những bằng cấp này liệu có thật sự cần thiết và quan trọng đối với người học Luật ?
Nếu định hướng nghề nghiệp của ngành Luật theo con đường làm nhà nước như công tác ở Toà án, VKS, Thi hành án,..thì việc sử dụng ngoại ngữ hay tin học có thể không nhiều nên các thông tin tuyển dụng ở các cơ quan này thường ít khi đề cập đến các chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên khi bạn xác định hướng làm việc ở các doanh nghiệp hay các văn phòng - công ty Luật có quan hệ với nước ngoài thì có một chứng chỉ ngoại ngữ hay một chứng chỉ tin học quốc tế giúp bạn ghi điểm với các nhà tuyển dụng và có một mức lương hậu hĩnh, tương xứng với năng lực của mình.
Đơn giản vì nếu doanh nghiệp có hợp tác với đối tác nước ngoài thì các hợp đồng, văn bản cần phải có song ngữ, mà không phải công ty hay văn phòng luật nào cũng có 1 bộ phận dịch thuật riêng, thì việc của bạn ở phòng pháp chế hay bản thân là một chuyên viên pháp lý thì bạn phải hỗ trợ soạn thảo các hợp đồng văn bản đó cả ở tiếng Việt và tiếng Anh, như vậy sẽ đỡ mất thời gian và chi phí để doanh nghiệp mang ra nơi khác dịch thuật.
Bản thân là một người học luật thì việc đàm phán hợp đồng nằm trong phạm vi hoạt động của bạn, trong trường hợp cần đàm phán các điều khoản với đối tác nước ngoài thì bạn cần có vốn ngoại ngữ "đủ dùng" để có thể đi đến kết quả tốt cho việc ký kết hợp đồng
Doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, và họ lúc nào cũng muốn sử dụng một người đã được trang bị các kiến thức căn bản như tin học để có thể dễ dàng nắm bắt được công việc và làm việc hiệu quả, các nhà tuyển dụng không hề muốn tốn thời gian để đào tạo lại cho bạn những kiến thức căn bản mà đáng lẽ ra bạn đã phải biết từ lâu rồi.
Tuy nhiên, nếu bạn không có những bằng cấp, chứng chỉ đó thì sao ?
Câu trả lời là chẳng sao cả nếu bạn tự bồi dưỡng khả năng ngoại ngữ và tin học của bạn, tự tin thể hiện nó ở buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng họ không phải cần những tấm bằng đó để làm đẹp hồ sơ nhân viên của họ mà đơn giản chỉ vì họ muốn tiết kiệm thời gian sàng lọc các ứng viên, các chứng chỉ đó là minh chứng cho quá trình học tập của bạn và khi nhìn vào họ sẽ không phải tốn thời gian để test năng lực anh văn hay tin học của bạn thêm lần nữa.
Vậy nên lời khuyên ở đây là mặc dù khả năng thực tế của bạn quan trọng hơn rất nhiều so với các loại bằng cấp, chứng chỉ, nhưng nhà tuyển dụng sẽ không thể biết được khả năng của bạn tới đâu nếu chưa tiếp xúc với bạn mà chỉ có thể xem trước các hồ sơ xin việc mà tiến hành sàng lọc, do đó các chứng chỉ đó có thể sẽ là bước đệm giúp bạn dễ dàng đi đến buổi phỏng vấn cùng nhà tuyển dụng. Nếu có thời gian và khả năng, bạn nên ôn luyện và "thủ" sẵn vài chứng chỉ có giá trị quốc tế để có thể thuận lợi trong quá trình xin việc và có mức thu nhập hài lòng.